Sinh viên phải biết làm giàu

Theo Quách Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thành công và Hạnh phúc, nếu không muốn thành những kẻ ăn mày, SV phải tích cực, chủ động học cách làm việc, kiếm tiền, để thành công nối thành công, làm giàu ngay trên ghế giảng đường.

Đại học Nông Lâm TPHCM vừa qua chật cứng sinh viên đến tham dự diễn đàn “Thành công kết nối kết thành công” và “Làm giàu thời hội nhập”.

 

3 chuyên gia tư vấn bao gồm: Quách Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thành công và Hạnh phúc, Phạm Uyên Nguyên - cố vấn cao cấp của Vina Capital, Ngô Xuân Dũng - Giám đốc Ngân hàng quốc tế VIB Bank, một hội trường chật cứng sinh viên đến từ các khoa khác nhau tham dự diễn đàn “Thành công kết nối kết thành công” và “Làm giàu thời hội nhập” chung một mục đích: Muốn biết làm sao để… giàu, nối thành công đến thành công!

 

Bạn muốn mãi là kẻ ăn mày?

 

“Tôi gọi rất nhiều trong số các bạn ngồi đây: Các bạn sinh viên, những kẻ ăn mày xã hội! Các bạn muốn học bằng tiền trợ cấp của bố mẹ, các bạn muốn thứ gì cũng… sinh viên: Cơm sinh viên, cà phê sinh viên…, miễn học phí, giảm học phí… nên nỗi danh từ “sinh viên” phải chuyển từ loại một cách “bất đắc dĩ” thành tính từ mang tính… bình dân nhất gắn cho các bạn là thành phần được coi là ưu tú nhất.

 

Bạn không tự mình kiếm tiền dù bạn dư khả năng đó, khi ra trường, đi xin việc làm, bị chê “chưa có kinh nghiệm” và bạn quay trở lại oán thán do trường và 1.001 lý do khác nữa …”, Quách Tuấn Khanh mở đầu diễn đàn.

 

Nắm kiến thức, chớp thời cơ, dám hành động

 

Một sinh viên nam hỏi: “Em không học kinh tế, cũng không rành lĩnh vực kinh tế nhưng em muốn đầu tư chứng khoán vậy em phải làm những gì?”.

 

Phạm Uyên Nguyên trả lời: “Rất nhiều đại gia trong giới đầu tư chứng khoán không hề học một khóa chính quy nào về chứng khoán, và ngược lại nhiều kẻ học có nhiều bằng cấp, chứng nhận hẳn hoi nhưng gà mờ. Em cứ phải học những kiến thức cơ bản nhất và trực tiếp tham gia là con đường đến nhanh nhất nhưng tùy theo sức của mình và phải biết cầm chừng, chơi để học”.

 

“Em muốn bắt đầu một mạng lưới kinh doanh?”. “Hãy bắt đầu bằng những chuyến đi thực tiễn trên các vùng miền và trên… Internet”.

 

“Hãy trích một phần mười trong tài khoản của bạn để dành, hàng chục năm sau bạn có một gia tài” - Quách Tuấn Khanh cho ý kiến. Nhưng Giám đốc điều hành Ngân hàng VIBank Chi nhánh phía Nam Ngô Xuân Dũng phản đối: “Cuộc đời không bao lâu cứ tiêu xài cho sướng, khi cơ hội đến biết chớp lấy thì giàu không mấy chốc”. Phạm Uyên Nguyên góp ý thêm: “Phải nghĩ đến kinh tế trong bất cứ việc gì mà mình định làm kể cả tiểu luận, luận văn tốt nghiệp”.

 

Nên có những diễn đàn như thế

 

Theo Th.S Trần Đình Lý, Đại học Nông Lâm TPHCM: “Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, nhà trường đang và sẽ luôn quan tâm đến hoạt động hết sức có ý nghĩa cho cả các bên tham gia này (nhà trường, người học, người sử dụng lao động)”.

 

Ngày nay, không ít sinh viên tự làm giàu nhưng sinh viên “ăn bám” cũng không phải là thiểu số. Diễn đàn “kết nối thành công” và “làm giàu thời hội nhập” này là một hình thức tạo “thế” cho sinh viên - những thành phần ưu tú trong thời đại công nghệ-trí tuệ ngày nay.

 

Mặt khác, giúp sinh viên có hiểu biết căn bản về hội nhập kinh tế toàn cầu khi Việt Nam đã gia nhập WTO, tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ giao lưu với các doanh nhân giúp họ kịp thời nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân và đất nước trong mỗi sinh viên thời kỳ hội nhập. 

 

Theo Hoàng Lan

Tiền Phong