Sinh viên kinh doanh: Không dễ "ngon ăn"
Mỗi lần ai nhắc lại chuyện thành lập công ty, M.Cường đều chặc lưỡi: "Không đơn giản chút nào". Bởi Cường đã phải trả giá cho sự bồng bột của mình.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Cường bỏ tiền đi học thêm một khóa về thiết kế web. Với kiến thức ngoại ngữ tương đối, Cường trở thành nhân viên của một công ty kinh doanh máy tính.
Hơn nửa năm làm công ăn lương, Cường bàn với bố mẹ vay 15 triệu đồng để hùn vốn với bạn kinh doanh. Có một người bạn là chuyên gia sửa máy in, cũng đang là nhân viên của một cửa hàng chuyên sửa chữa thiết bị vi tính. Thêm một người bạn của bạn đang là nhân viên kinh doanh máy tính. Bộ ba hùn vốn thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên lắp ráp, sửa chữa máy vi tính.
Sau hai tháng đi vào kinh doanh, họ tuyên bố giải thể vì làm ăn thua lỗ và một thành viên rút vốn. Hỏi về bài học xương máu của mình, Cường cho biết: "Không đơn giản chút nào, thị trường máy tính đã bão hòa, nhưng mình không nhận ra. Vốn cũng không lớn nên không thể xoay vòng được. Vả lại, ba người ba ý tưởng khác nhau, không ai chịu ai".
Kết quả của hai tháng thành lập công ty, Cường bị mất người bạn nối khố và phải xách hồ sơ chạy khắp nơi tìm việc. Bây giờ, mỗi lần nghe ai đó sắp thành lập công ty, Cường lại thành thật khuyên: "Phải có kế hoạch, phải tính toán thật kỹ mới không bị thất bại".
Nghe tin N.V.Minh (Bàu Cát, quận Tân Bình, TPHCM) đang ăn nên làm ra với hai cửa hàng điện thoại di động, bạn bè ai cũng mừng. Tốt nghiệp ĐH, nhưng Minh lập nghiệp từ một nhân viên bán linh kiện điện thoại di động. Nuôi ý tưởng kinh doanh từ những ngày mới vào nghề.
Hai năm bươn chải, Minh tích cóp được một số vốn kha khá, mượn thêm mẹ 30 triệu, một cửa hàng di động ra đời tại quận Tân Bình. Một năm sau, Minh mở rộng thị trường xuống Biên Hòa, Đồng Nai.
Minh tin tưởng giao cửa hàng ở Biên Hòa cho một người bạn quản lý. Thỉnh thoảng lui tới kiểm tra. Việc kinh doanh ngày càng đi vào ổn định, Minh cũng an tâm về người bạn của mình. Không ngờ, một buổi sáng thức dậy, bà chủ nhà điện thoại thông báo: "Bạn con đã dọn hết cửa hàng đi rồi, dọn lúc nào bác không biết".
Mặc dù biết rõ địa chỉ, quê quán của người bạn, nhưng Minh đành bó tay khi gia đình bạn cho biết: "Lâu lắm không thấy nó về nhà, hai bác cũng không biết nó đang ở đâu". Bài học mà Minh học được: "Không nên tin người quá, và không thể... của một nơi, người một nẻo được".
Chuyện nghe có vẻ buồn cười, nhưng đã xảy ra với một nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang. Bốn chàng sinh viên vừa mới ra trường, góp vốn làm ăn chung. Một công ty sửa chữa, lắp ráp điện lạnh ra đời. Trong vòng bốn tháng, bốn chàng trai thay nhau làm giám đốc. Và cuối cùng thì... không ai chịu nhận cái chức ấy, vì "không được đi uống cà phê các vào buổi sáng".
Mở phòng net, quán cà phê, shop quà lưu niệm, kinh doanh sửa chữa máy vi tính... đang được nhiều sinh viên chọn làm ngành nghề kinh doanh. Một số sinh viên sau khi ra trường, trải qua những kinh nghiệm đi xin việc lại mở dịch vụ việc làm. Và hơn ai hết, họ đã tự tìm cho mình một công việc.
... Và những kinh nghiệm
Sẽ còn nhiều người trẻ muốn bước chân vào thương trường, chắc chắn vậy rồi. Mới đây, một người bạn khoe, mình vừa hùn vốn mở một quán cafe. Một sinh viên gọi điện thông báo: "Em mới mở công ty, lúc nào rảnh, mời chị ghé qua chơi". Bà cô ở quê gọi điện hỏi thăm: "L. xin 40 triệu để mở tiệm Internet, nhưng cô không biết thế nào? Con thấy có nên tin tưởng em không?".
Đâu đó có những người đang "ngậm đắng, nuốt cay" vì làm ăn thua lỗ, vì thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, lại có những sinh viên đang có kế hoạch để làm ông chủ. Phải chăng, cần những lời khuyên, những kinh nghiệm cho người trẻ?
Một giám đốc, vừa khởi nghiệp, cũng đã đôi lần thất bại khuyên rằng: "Tôi cũng đã vài lần thất bại trong kinh doanh. Và những gì tôi học được là thương trường khác xa hoàn toàn với lý thuyết mình học được. Lý thuyết là chết, thương trường là sống động và luôn thay đổi. Và cũng khẳng định rằng, không ai không gặp thất bại. Hơn nhau ở chỗ là biết vượt qua, tôi nghĩ thất bại không khủng khiếp như người ta thường nghĩ. Thất bại có cả vị chua và vị ngọt. Nếu bạn chọn vị chua thì bạn mãi thất bại còn bạn chọn vị ngọt thì bạn sẽ rút ra được nhiều bài học".
Nói là vậy, nhưng ông giám đốc trẻ cũng đưa ra những nguyên tắc trước khi bước vào thương trường: phải có kế hoạch rõ ràng, không nản lòng khi gặp khó khăn, chọn đối tác thật kỹ trước khi hợp tác, làm quen với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mình định đầu tư để họ cung cấp thông tin, có một cái đầu tỉnh táo để ra mọi quyết định và cuối cùng là thu thập nhiều thông tin trước khi ra quyết định.
Q.P, kinh doanh Điện tử - Viễn thông bật mí kinh nghiệm: "Lúc trước chưa bắt tay vào làm, tôi nghĩ mọi chuyện đơn giản, chỉ cần có vốn mạnh là ổn. Nhưng rồi mọi chuyện không như mình nghĩ, phải thật tỉnh táo, phải sống chết với nó mới được".
Còn M.Cường thì bảo: "Liên quan đến chuyện tiền bạc, vốn liếng là liên quan tới rắc rối. Chính vì thế, các thành viên hùn vốn phải có những thoả thuận với nhau thật rõ ràng. Nếu cần, mọi thoả thuận đều phải có giấy tờ rõ ràng. Mất lòng trước được lòng sau".
Cường còn nhắn gởi: "Không nên bước vào thương trường khi vừa mới ra trường. Bởi những gì bạn nhìn thấy trong lúc còn là sinh viên rất hạn hẹp. Phải đi làm, tiếp cận với môi trường kinh doanh vài năm thì mới nên bỏ vốn của mình ra. Nếu ai không có máu làm ăn, xin đừng liều mạng".
Có những bài học mà học viên chỉ phải trả một ít tiền của, một ít thời gian. Nhưng có những bài học đòi hỏi con người ta phải đánh đổi cả tương lai. Khi thực hiện bài viết này, một sinh viên Trường ĐH Kinh tế đã kể cho tôi nghe hai sinh viên mới ra trường, làm ăn thua lỗ, đã bị gia đình đưa về quê... cày ruộng.
Theo VietNamNet