Singapore hỗ trợ lao động bị sa thải, thất nghiệp 114 triệu đồng/tháng

Hạ Di

(Dân trí) - "Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture" của Chính phủ Singapore cung cấp hỗ trợ tài chính lên đến 6.000 SGD/tháng, giúp người lao động giảm gánh nặng tài chính khi chuyển đổi công việc

Singapore vừa công bố chương trình hỗ trợ thất nghiệp nhằm giúp đỡ người lao động bị sa thải hoặc thất nghiệp không tự nguyện.

Chương trình mới có tên chính thức là "Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture", được tổ chức riêng để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Đây là một trong những chính sách quan trọng và mang tính cấp tiến trong nỗ lực hiện thực hóa những tham vọng mới trong lộ trình Forward Singapore (Tiến lên Singapore), trước bối cảnh môi trường toàn cầu đang thay đổi.

Singapore hỗ trợ lao động bị sa thải, thất nghiệp 114 triệu đồng/tháng - 1

Chính sách mới hỗ trợ người lao động thất nghiệp của Singapore cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân đủ điều kiện lên tới 6.000 SGD (Ảnh minh họa: AI).

Cụ thể, chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân đủ điều kiện lên tới 6.000 SGD (tương đương 114 triệu đồng) trong thời gian 6 tháng. Hỗ trợ này được thiết kế để giảm bớt gánh nặng tài chính khi chuyển đổi công việc, giúp người lao động quản lý các chi phí sinh hoạt thiết yếu trong thời gian thất nghiệp. Tuy nhiên, để đủ điều kiện tham gia chương trình, người nộp đơn phải đáp ứng một số điều kiện.

Trước hết là yêu cầu về thu nhập. Chương trình nhắm đến đối tượng lao động trước đây có thu nhập trung bình hằng tháng dưới 5.000 SGD. Trọng tâm này tập trung hỗ trợ vào những người dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn.

Tiếp đến, cá nhân đủ điều kiện phải chứng minh bản thân đang tích cực tìm kiếm việc làm và phải đạt được các chỉ tiêu về điểm hoạt động hàng tháng, có được tham gia nhiều hoạt động như tham dự các cuộc phỏng vấn xin việc, nộp đơn xin việc hay tham gia hội chợ việc làm có liên quan.

Sáng kiến này từng được Thủ tướng Singapore Lawrence Wong công bố trong bài phát biểu đầu tiên tại cuộc mít-tinh  chào mừng Quốc khánh hôm 18/8. Trong đó, ông đề cập đến những trọng tâm chính sách phát triển đất nước trong những thập niên tới gồm tập trung vào vấn đề việc làm, hỗ trợ các gia đình, nhà ở và giáo dục, vốn là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Wong cũng cho biết các quan chức Singapore đã nghiên cứu các chính sách thất nghiệp ở các quốc gia khác để tìm hiểu cách thức hỗ trợ tài chính cho những người mất việc.

Thủ tướng Singapore cho rằng, các chương trình bảo hiểm thất nghiệp vô điều kiện ở các quốc gia khác không mang lại kết quả tích cực.

"Sau khi nhận được trợ cấp, người lao động có thể cảm thấy việc ở nhà hấp dẫn hơn so với việc quay lại thị trường lao động. Đó là lý do tại sao chính phủ luôn cẩn trọng với các chính sách như vậy", ông Lawrence Wong nhận định.

"Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture" sẽ do Workforce Singapore, cơ quan phát triển lực lượng lao động thuộc Bộ Nhân lực, quản lý. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các đơn đăng ký, giải ngân và giám sát việc tuân thủ điều kiện của chương trình.

Động thái thay đổi chính sách mới nhất cho thấy Chính phủ Singapore ngày càng nhận ra rằng cần có cách tiếp cận hỗ trợ nhiều hơn để giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Bằng cách cung cấp cứu trợ tài chính tạm thời, cùng với yêu cầu tham gia tích cực vào phát triển chuyên môn, "Chương trình hỗ trợ người tìm việc SkillsFuture" được kỳ vọng tạo ra sự cân bằng giữa cung cấp mạng lưới an toàn với khả năng duy trì việc làm ổn định và liên tục.

Singapore hỗ trợ lao động bị sa thải, thất nghiệp 114 triệu đồng/tháng - 2

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (Ảnh: AFP).

Từ lâu chính phủ nước này phản đối chương trình bảo hiểm thất nghiệp vốn thường thấy ở các quốc gia có thu nhập cao khác. Theo đó, kể từ khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965 để trở thành quốc gia độc lập và có chủ quyền, Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu luôn bác bỏ ý tưởng về một nhà nước phúc lợi.

Năm 2005, ông từng phát biểu: "Tôi rời bỏ chủ nghĩa phúc lợi vì nó làm suy yếu tinh thần tự lực của người dân, cũng như mong muốn vươn lên và thành công của họ". Do đó, đảo quốc sư tử hầu như không cung cấp bảo hiểm thất nghiệp hoặc các giải pháp tương tự, vì lo ngại rằng người dân sẽ ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước.

Những người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu, trong đó có ông Lý Hiển Long, cũng không áp dụng bất kỳ chính sách hỗ trợ thất nghiệp nào.

Theo www.straitstimes.com