Sếp trẻ, tiến lên nào!

(Dân trí) - Hỏi bất kỳ người trẻ tuổi nào vừa được cất nhắc lên vị trí cao, đa số đều than vãn, la oai oái. Họ không thích làm sếp? Không, họ rất thích, nhưng họ sợ áp lực và trách nhiệm.

Lập công kiểu… nhanh ẩu đoảng

 

Nhiều người khi vừa được cất nhắc làm sếp đã vội “săn” thành tích, lập chiến công để lấy le với nhân viên và tạo thương hiệu cho bản thân. Kết quả đôi khi là nhanh ẩu đoảng.

 

Hoàng Chiến, 24 tuổi, kể về bài học nhớ đời của mình khi lần đầu được bổ nhiệm làm sếp: “Tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn gây ấn tượng tốt với công ty. Thế là mình cố gắng nhanh nhất và bằng nhiều cách để hoàn thành công việc cũ trước thời hạn, ký được nhiều hợp đồng mới. Kết quả thu được là… hàng loạt hợp đồng bị huỷ, công ty bị lỗ vốn, mất uy tín với khách và nguy hiểm hơn là mình suýt thì bị cách chức”.

 

Lấy thành tích là rất tốt, nó khẳng định cho mọi người rằng bạn được lên chức là điều hoàn toàn xứng đáng, nhưng chỉ nên nhanh khi bạn có cơ sở nền vững chắc thôi.

 

Chỉ tin vào bản thân

 

Nhiều sếp trẻ thường “tham công tiếc việc” hoặc cảm thấy lúng túng, bất an khi phải giao việc cho các nhân viên. Với người trẻ thì lo họ không đủ khả năng, với người già thì lo họ cổ lỗ sĩ, không hợp thời. Cứ như vậy, sếp trẻ ôm hết việc vào mình.

 

Bí quyết là hãy tham khảo thêm ý kiến của đồng nghiệp hay những người có uy tín, kinh nghiệm trong công ty. Bạn có thể thay đổi, điều chỉnh nhân lực nếu thấy phù hợp hơn, vì bạn là sếp cơ mà.

 

Lạm dụng quyền lực

 

Vừa nhận chức, Hải đã lên một danh sách những việc cần sai bảo nhân viên: “Sáng, sai Minh đi mua điểm tâm. Trưa, nhờ Mai lấy hộ tài liệu…”. Một ngày làm việc, Hải sai hết người này đến người khác, vừa để “lấy le”, vừa để tận hưởng cảm giác là người đứng trên kẻ khác. Dần dần, nhân viên bắt đầu tìm cách tránh mặt hoặc tỏ ra khó chịu khi gặp Hải. Nhiều khi Hải chỉ muốn gọi nhân viên để trao đổi công việc cũng thấy nhân viên khó chịu.

 

Quyền lực được ví như con dao hai lưỡi, nếu biết cách sử dụng bạn sẽ được kính trọng,  còn lạm dụng thái quá, bạn sẽ bị đứt tay.

 

Lập những kế hoạch mạo hiểm

 

Là người chèo lái con tàu kinh doanh, bạn phải rất tỉnh tảo khi đưa ra và thực hiện những bản kế hoạch. Phân công công việc đúng người, đúng việc; luôn lường trước được mọi tình huống xảy ra, sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa sai sót. Năng lực của bạn sẽ được thừa nhận nếu bạn lập kế hoạch đúng và “ngon lành” chứ không phải khi bạn lập được nhiều kế hoạch nghe rất kêu nhưng thiếu tính khả thi.

 

Hãy khiêm tốn và công minh

 

Một trong những điểm yếu của nhiều bạn trẻ hiện nay là dễ kiêu căng khi có chút chức vị. Bạn nên chuẩn bị tinh thần khiêm tốn, ham học hỏi dù là học hỏi những nhân viên dưới quyền. Không ai vẹn toàn 100%, bạn có thể bổ sung những khiếm khuyết của mình bằng cách học hỏi mọi người xung quanh.

 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên công bằng trong mọi phán quyết. Chớ vì tình riêng mà cất nhắc người này, trù dập người khác.

 

Nguyễn Phú Quý