Sếp nữ đơn thân "rỉ tai" chuyện... sex, nam nhân viên bất lực chịu trận
(Dân trí) - Khi Sơn lên tiếng "tố" bị sếp nữ quấy rối tình dục, cậu nhận lại những cái cười ẩn ý "lợi đơn lợi kép" hoặc "mất mát gì đâu" từ người xung quanh.
Muốn bỏ việc vì sếp nữ
Nửa năm trước, khi có sếp nữ về phụ trách phòng kinh doanh, Hoàng Phúc Sơn, 28 tuổi, làm việc tại công ty chuyên về đèn trang trí xuất khẩu ở TPHCM rơi vào căng thẳng vì bị quấy rối.
Sự thân thiết ban đầu giữa hai chị em nhanh chóng chuyển sang suồng sã, cợt nhả không có điểm dừng. Sơn thường xuyên bị đưa ra làm trò đùa, trêu ghẹo bởi sự bạo miệng và phong cách phóng túng của người sếp lớn hơn 8 tuổi, là mẹ đơn thân.
Đầu tiên là những bình phẩm về cơ thể như nhìn ngon giai, ngực hơi lép. Rồi phong cách ăn mặc, tóc tai của Sơn cũng bị đưa ra mổ xẻ. Không chỉ bằng lời, mỗi lần nhận xét, chị sếp lại đưa tay vuốt tóc, sờ ngực, nắn eo, vỗ mông cậu.
Chưa dừng lại, bất kể tình huống nào, chị sếp cũng có thể buông ra những lời nói, câu chuyện ám chỉ chuyện... sex. Người này tình dục hóa nam nhân viên trẻ về khả năng "tác chiến" mạnh/yếu, bộ phận này kia to/nhỏ... đưa cậu ra làm trò mua vui trước mặt mọi người.
Phòng chủ yếu là nữ, mỗi lần vậy, chị em lại đều hùa vào khen chê, bình phẩm về Sơn rồi cười òa lên thích thú.
Không gian làm việc chỉ khoảng 80m2 trở thành nỗi đọa đày với chàng trai cao to, lực lưỡng.
Nào đã hết, ngay cả trong các group (nhóm trao đổi), chị sếp cũng không ngại ngần trêu ghẹo, cợt nhả với cậu. Vẫn chưa hết, người này thường xuyên nhắn tin riêng cho Sơn với những lời lẽ gạ gẫm, mời mọc, nói về chuyện sex.
Sơn sợ nhất là mỗi dịp tiệc tùng, kiểu gì chị sếp cũng "động chạm" vuốt má, sờ mông với cái rỉ tai: "Thích không?" làm Sơn vô cùng khó chịu.
Những lúc đó, nếu Sơn im lặng cười cho qua chuyện thì người này sẽ lấn tới bằng những đụng chạm hay lời nói khiêu khích ở cấp độ cao hơn. Còn khi cậu phản ứng thì lập tức bị body shaming (miệt thị ngoại hình): "Thấy ghê! Cậu nhìn lại mình đi! Tôi mà thèm giai như cậu chắc?".
Bị quấy rối, đã nhiều lần Sơn muốn nghỉ việc nhưng anh khá ưng công việc này. Chưa kể, còn nỗi lo cơm áo gạo tiền, tìm việc mới thời điểm này không dễ, không đơn giản cứ nói nghỉ là nghỉ. Anh rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Sơn kể, anh từng nói với vài người bạn thân về tình cảnh bị quấy rối của mình nhưng mọi người lại tỏ ra thích thú với chuyện này, còn hỏi: "Bả đẹp không? Tiến tới là ngon rồi!". Có người còn hào hứng: "Để xin vào đó làm việc".
Anh cũng từng phản ánh vấn đề của mình lên cấp quản lý cao hơn nhưng chỉ nhận về sự im lặng hoặc vài lời bâng quơ: "Chị ấy đùa chút thôi, người ta không mất thì thôi chứ cậu mất mát gì".
Sơn cho biết, hai năm trước tại công ty anh, một nhân viên nữ tố cáo một đồng nghiệp nam quấy rối tình dục bằng những tin nhắn cợt nhả, khiếm nhã cùng nhiều hành vi động chạm. Mọi người rất bức xúc bảo vệ cô gái, lên án nam nhân viên kia nên cuối cùng anh ta phải nghỉ việc.
Nhưng khi anh là nam giới phản ánh việc bị quấy rối thì không ai xem đó là vấn đề nghiêm túc. Chuyện của Sơn nói ra không ai tin hoặc cũng bị xem như chuyện cười "có mất gì đâu". Thậm chí, thủ phạm là chị sếp còn được thán phục là mạnh mẽ, cá tính.
Quấy rối bất thành, phụ nữ có thể trở mặt tố cáo ngược
Nhắc đến quấy rối tình dục, kể cả quấy rối tình dục nơi công sở, nhiều người thường mặc định nữ là nạn nhân và nam là thủ phạm. Còn khi nam giới bị quấy rối tình dục, đặc biệt bị quấy rối bởi nữ giới thì nhiều người xem đó như chuyện để cười đùa.
Trong thực tế, việc ví von, bình phẩm, tình dục hóa phụ nữ dễ bị chỉ trích rất gay gắt. Ở chiều ngược lại, việc phụ nữ ám chỉ, tình dục hóa đàn ông lại diễn ra một cách ngang nhiên, công khai, ít bị phản ứng mà thậm chí còn nhận về sự thích thú, cổ vũ từ nhiều người.
Từ sự việc nam lãnh đạo một ngân hàng nổi đình đám với clip vừa hát vừa nhảy mới đây, một chuyên gia bình đẳng giới cho rằng sự thô tục cùng hành vi quấy rối tình dục mà phái nữ là thủ phạm tràn khắp cõi mạng.
Nhiều chị em thoải mái bình phẩm về thân thể, về các vùng nhạy cảm, về giới tính của người đàn ông áo mỏng ướt đầm đó. Người người thản nhiên thả các bình luận "muốn rụng trứng" và cười đùa công khai.
Việc nam giới bị quấy rối tình dục lâu nay là "khoảng trống bị bỏ quên". Người bị quấy rối không dám lên tiếng hoặc lên tiếng cũng không được ghi nhận và xử lý phù hợp.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chia sẻ gần đây có xu hướng cực đoan hóa trong nhìn nhận quấy rối tình dục, nữ hóa vấn đề quấy rối tình dục. Nói cách khác, có quan điểm luôn cho rằng chỉ phụ nữ mới có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục, thủ phạm luôn là nam giới.
Nhưng thực tế không ít nam giới cũng bị phụ nữ quấy rối tình dục. Các nữ thủ phạm hiếm khi có thể hiếp dâm hoặc xâm hại nạn nhân nam nhưng việc tán tỉnh, gợi ý, quyến rũ, cố ý động chạm... thì khá phổ biến. Động cơ có thể là vì quá yêu, quá thích nhưng cũng có thể đơn thuần để lợi dụng.
Điều tồi tệ đối với các nam nạn nhân trong trường hợp này, theo bà Hồng, khi không đạt được mục đích của mình, nữ thủ phạm có thể trở mặt, tố cáo ngược. Và khi đó, người xung quanh thường dễ dàng tin người nữ hơn, nam nạn nhân rơi vào tình thế oan ức.
"Muốn thúc đẩy bình đẳng giới thì trước hết phải công bằng với mọi giới. Có nam tính mưu mô, cũng có cả nữ tính độc hại. Đó là trường hợp người nữ dùng vị thế nữ của mình để kiếm lợi cho mình", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.