Sẽ phạt nặng những lao động ở nước ngoài bỏ trốn
Lao động Việt Nam ở nước ngoài nếu phá bỏ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp sẽ bị buộc về nước, chịu mọi chi phí bồi thường hợp đồng và không được phép xuất cảnh trong 5 năm.
Những doanh nghiệp xuất khẩu lao động để người lao động của mình bỏ trốn sẽ bị đình chỉ hoặc tước giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, bị xử phạt hành chính, phạt tiền đến 20 triệu đồng và chịu chi phí giải quyết mọi việc liên quan.
Đây là một số điều trong những biện pháp được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người lao động và các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nghị định này đã được Bộ lao động, Thương binh và Xã hội trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo dự thảo Nghị định này, tất cả các vụ việc liên quan đến lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn đều có thể giải quyết vắng mặt đương sự. Các quyết định, hình thức xử lý sẽ được niêm yết tại trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, thông báo cho người đại diện và địa phương của người lao động.
Theo ông Vũ Đình Toàn, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Nghị định mới này quy định cụ thể hơn về mức độ vi phạm, mức độ xử lý cũng như cấp xử lý. Theo đó, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước có quyền ra quyết định về hình thức xử lý lao động, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Đây là những điều mới mà Nghị định 81 của Chính phủ về xuất khẩu lao động đang áp dụng không có.
Nghị định mới được xây dựng trong bối cảnh ngày càng gia tăng tình trạng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn. Đài Loan, Malaixia và mới đây là Anh đã tạm ngưng tiếp nhận lao động của Việt Nam vì lý do đó. Sự cố này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam lâm vào tình cảnh lao đao, kéo theo đó là hàng vạn lao động nông thôn mất cơ hội đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao để cải thiện cuộc sống gia đình.
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đã có các biện pháp giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, sàng lọc ngay từ khâu tạo nguồn, gắn trách nhiệm của chính quyền sở tại với lao động khi xuất cảnh, tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để răn đe lao động bỏ trốn.
Việt Nam hiện có khoảng 300.000 lao động đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Tính riêng năm 2004, lượng tiền chuyển về nước thông qua xuất khẩu lao động đạt trên 1,5 tỷ USD.
Theo TTXVN