“Săn” người qua blog

“Công ty tui - agency (công ty dịch vụ) của Yamaha và Panasonic - đang tuyển gấp một designer (họa sĩ thiết kế)... Bạn nào có hứng thú vui lòng nộp hồ sơ gấp về... Thương yêu chờ đón các bạn...”. Mẩu tuyển dụng này được đăng trên blog của một blogger có nick là tooctila. Chuyện đùa? Không! Nhu cầu thật, tuyển thật.

Vốn là art director của một công ty, trong friendlist (những người bạn trên blog) của tooctila có không ít bạn đồng nghiệp là designer nên anh chọn blog để đăng quảng cáo tuyển dụng cho công ty. Sau một tuần, tooctila đã nhận được 18 hồ sơ “chất lượng cao”.

 

Một công ty quảng cáo đa quốc gia cần tuyển một copywriter nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đặc biệt là đăng báo sẽ lộ thông tin về nhân sự với các công ty đối thủ nên không tiện đăng báo tuyển dụng.

 

Công ty đã nhờ những chuyên gia head hunter - “săn đầu người” - “săn” giúp nhưng vẫn “bó tay”. T., nhân viên của công ty này, đăng thông tin tìm người trên blog của mình vài dòng vỏn vẹn: “Công ty T đang cần tuyển senior copywriter (Vietnamese). Ai biết giới thiệu giùm nhé. Cơ hội làm việc rất hấp dẫn đấy...”. Không dừng lại ở đó, T. lên mạng “săn” người qua blog.

 

Anh Minh, nhân viên một công ty quảng cáo Việt Nam, biết một số copywriter viết blog khá thú vị nên ra tay “săn” người giúp T. “Nghề của copywriter là viết. Viết càng ít chữ càng tốt, nhưng nội dung thể hiện phải rõ ràng nhất, sáng tạo nhất”, Anh Minh tiết lộ rằng lượn vòng trên thế giới 360 độ, “lượm” được kha khá blog của các copywriter. Một trong số đó lọt vào tầm ngắm của Anh Minh với cách thể hiện khá thú vị, rất phong cách và đầy sáng tạo. Anh Minh gửi ngay blog này cho nhà tuyển dụng. Qua thẩm định, nhà tuyển dụng đã gật đầu ngay.

 

“Đăng tuyển dụng trên blog chỉnh sửa cũng dễ, mình chủ động cả thời gian đăng lên cũng như rút xuống sau khi đã tuyển được người. Mình có thể viết tự do hơn, ngoài lề lối thông thường. Những người chấp nhận được thông tin đó thì nộp đơn...”, tooctila cho biết.

 

Với blog cá nhân, mỗi người có thể lên đó viết thoải mái, những vấn đề họ quan tâm và ẩn mình dưới đó là cá tính, quan niệm của “chủ nhân”. Theo Anh Minh, ưu điểm của hình thức tuyển nhân sự đặc biệt này là mình biết rõ hơn về chủ nhân của blog. “Tuy nhiên, tất cả chỉ là đánh giá bước đầu, kết quả còn phụ thuộc người phỏng vấn”, Anh Minh cho biết thêm.

 

Một chủ nhân blog rao tìm người cho rằng: “Blog thể hiện rất rõ cá tính của người viết, blog của mỗi người cho ta một portfolio (những công việc, vị trí đã từng làm qua) tốt hơn bình thường rất nhiều. Căn cứ vào đó ta có thể tìm hiểu và định vị xem họ có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không, hay phù hợp với một công việc khác”.

 

Nhà văn trẻ Trang Hạ cũng phát huy ưu thế của blog khi chị cần gấp bìa cho cuốn sách đầu tay của mình. Rao lên blog với những gạch đầu dòng nêu rõ một số tiêu chí cho bìa sách, chỉ trong vòng vài ngày, Trang Hạ đã nhận được rất nhiều mẫu thiết kế từ các bạn gửi tặng. Không chỉ thế, cô còn post lên để mọi người cùng bàn luận cho mỗi mẫu design...

 

Một blogger từng nằm trong danh sách “chấm trúng tuyển” của công ty quảng cáo đa quốc gia nói trên cho biết không bao giờ nghĩ blog của mình được xem là một “sơ yếu lý lịch” để các nhà tuyển dụng đánh giá. Với cô, blog chỉ đơn giản là nơi để cô viết những suy nghĩ của mình, viết cho mình và cho bạn bè, nhưng nếu phát huy được mặt tích cực này thì đó lại là cơ hội cho nhiều blogger.... 

 

Theo Tuổi Trẻ