1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Săn đầu”… sinh viên thực tập

Không cần chờ phải tốt nghiệp ĐH, CĐ mới mong kiếm được việc làm như trước. Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng tỏ ra cởi mở hơn, các ông chủ thích "săn" sinh viên ngay khi đang thực tập. Thậm chí, với những sinh viên thực tập có kỹ năng tốt, họ vẫn có thể có vị trí vững chắc trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Ngày thực tập là ngày bộc lộ năng lực

 

Thầy Cường, giáo viên trường THPT Ninh Giang, Hải Dương có 2 con lần lượt qua một “lò đào tạo” là ĐH Ngoại thương Hà Nội. Hai năm liên tiếp 2 tin vui. Năm trước con gái ra trường, xin vào thực tập ở Canon, rồi nhờ nỗ lực học hỏi, làm việc, Canon nhận vào làm việc. Tiếp đến con trai, thực tập tại Toyota ở Vĩnh Phúc, ra trường làm ngay tại tại đây, hàng ngày có xe đưa xe đón đi làm từ Hà Nội.

 

Nguyễn Đình, một sinh viên (SV) khá năng động, đang học năm cuối của ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Ngay khi bước vào những ngày thực tập đầu tiên tại một tòa soạn báo trong thời gian 3 tháng trước khi tốt nghiệp, Đình cố gắng hết sức để gây ấn tượng với những bài viết nhanh nhạy, có tính phát hiện cao.

 

Đình có quan niệm: “Khi mình đã cố gắng làm việc, nỗ lực học hỏi với tinh thần cao nhất thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì niềm vui mình sẽ có luôn lớn hơn và nhiều hơn”. Khi kỳ thực tập chưa kết thúc, tôi được biết, một công ty ngỏ ý muốn nhận cậu về làm việc, ở vị trí là nhân viên PR (Public Realation - Quan hệ công chúng), lương khởi điểm khi chưa ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp là 1,5 triệu”. Được biết, Đình trải qua kỳ thi đầu vào ở đây ngay trong quá trình thực tập.

 

Mức lương chưa cao nhưng sự ưu đãi ít nhiều đã có. Song, vấn đề mà Đình băn khoăn là: “Nơi mình đang thực tập sau đó có nhận mình không? Nếu có thì điều kiện thế nào?”. Như vậy, với  1 SV thực tập, đó là một sự khuyến khích để họ lao vào làm việc hăng say hơn.

 

Chuyện như mơ” thấy ngày càng nhiều

 

Tháng tư, tháng năm - mùa thực tập đến. "Chộp" thời cơ để tiếp thị hình ảnh của mình, nhiều công ty lớn thông tin về kế hoạch tuyển nhân sự, chọn sinh viên thực tập.

 

Từ nhiều năm nay, Samsung Vina đã đưa ra triết lý “Con người là công ty - công ty là con người”. Hàng năm, tại đây có riêng một chương trình về thực tập dành cho SV thực năm cuối của các trường khối kinh tế. Chương trình này phần nào đã giải tỏa được nỗi lo lắng của các bạn sinh viên khi đến học kỳ cuối phải tìm doanh nghiệp nhận thực tập sinh và tìm người hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp.

 

Khi tham gia thực tập, sinh viên sẽ được trực tiếp thực hiện công việc như một nhân viên thực thụ, được giao nhiệm vụ, được hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả công việc. Cuối kỳ thực tập, Tổng Giám đốc sẽ trực tiếp lắng nghe những ý kiến đóng góp của thực tập sinh về công ty. Cũng qua chương trình thực tập này, công ty đã phát hiện ra nhiều bạn có năng lực và đã tuyển dụng chính thức vào làm việc. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm công ty đều tuyển dụng hơn 20 SV tốt nghiệp từ các trường Đại học trong cả nước từ quá trình nhận SV vào thực tập.

 

“Không cần chờ đến khi tốt nghiệp đã có thể trở thành nhân viên của FPT”, đó là chủ trương của công ty Cổ phần phần mềm FPT đưa ra trong buổi giao lưu giữa lãnh đạo công ty và các bạn SV tại TPHCM vừa qua. Một địa chỉ khác là công ty Unilever với chương trình tuyển dụng “Quản trị viên tập sự” năm 2005 dành cho SV năm cuối. Công ty thông báo, SV có nhu cầu thực tập tham gia dự tuyển đăng kí trước ngày 5/5/2005.

 

SV thực tập: không chỉ là tiềm năng

 

Nhìn vào thông báo tuyển SV thực tập năm 2005 của một công ty tuyển dụng thấy bên cạnh yêu cầu “có điểm trung bình chuyên ngành trên 7,0. Trình độ tiếng Anh tương đương B trở nên” còn là dòng ghi chú: đối tượng SV “sẵn sàng làm việc chính thức với công ty ngay khi tốt nghiệp". Như vậy, việc làm của công ty này hoàn toàn khác với chuyện “coi SV thực tập chỉ làm vướng chấn!” như rất nhiều nơi khác.

 

Những nhà tuyển dụng cởi mở và trân trọng SV thực tập có nhiều tiềm năng - trong xu thế hiện nay - ngày càng nhiều. Chính vì thế việc có việc làm tốt ngay khi đang thực tập, thậm chí, với những SV có kỹ năng tốt, ngay khi còn là SV vẫn có thể có vị trí vững chắc trong các cơ quan, doanh nghiệp.

 

Một chuyên gia cho rằng: “Dưới áp lực yêu cầu tuyển dụng các vị trí cao cấp, các công ty trong và ngoài nước phải nỗ lực cải thiện hệ thống lương bổng, phúc lợi, chế độ chiêu ngộ nhân tài, thực hiện các chương trình quản trị viên tập sự (tuyển dụng SV giỏi của những năm cuối), tăng chi phí cho đào tạo và huấn luyện sẽ tạo cơ hội thăng tiến cho những nhân viên tiềm năng, chuẩn bị cho vị trí quản lý sau 5-10 năm”.

 

Theo Bùi Dũng

Vietnamnet