1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sa thải nữ nhân viên lớn tuổi: "Vắt chanh nhưng không... bỏ vỏ!"

Hoài Nam

(Dân trí) - Được hoãn thời gian nghỉ để còn kịp lĩnh thưởng Tết, chị Hậu còn được chính vị giám đốc - người đã sa thải mình - giới thiệu nơi làm việc mới phù hợp hơn với năng lực của chị.

Làm ở bộ phận văn phòng công ty về phôi phối hóa thực phẩm xuất khẩu ở quận Bình Thạnh, TPHCM, chị Trần Thị Hậu, 45 tuổi là một trong những nhân sự nằm trong diện cắt giảm của công ty do tác động của Covid-19.

Sa thải nữ nhân viên lớn tuổi: Vắt chanh nhưng không... bỏ vỏ! - 1

Nhiều nhân viên được chính công ty giới thiệu việc làm sau khi sa thải (Ảnh minh họa)

Không cắt "rụp một cái", trước đó nhiều tháng, giám đốc đã trao đổi với nhân viên về tình hình thật sự khó khăn của công ty. Chị Hậu được chuẩn bị tâm lý sớm về khả năng có thể sẽ phải nghỉ việc.

Chị Hậu kể, công ty đã chủ động trì hoãn thời gian nghỉ việc của chị thêm vài tháng để chị được lĩnh thưởng Tết trọn vẹn. 

Trong thời gian chuẩn bị nghỉ này, vị giám đốc giới thiệu cho chị khóa học online 3 tháng về quản lý nhân sự mảng tuyển dụng, ông chi trả toàn bộ học phí. 

Ông cũng giới thiệu chị sang làm việc ở công ty đối tác. Họ đang cần người ở phòng nhân sự, phù hợp với chuyên môn, năng lực và lợi thế thích giao tiếp của chị. 

Chị Hậu cho biết, dù buồn vì phải nghỉ việc sau thời gian dài gắn bó nhưng cách sa thải của công ty giúp chị không bị sốc. Lại được hỗ trợ tìm việc làm mới nên chị thấy được an ủi, ấm lòng. Những nhân viên nghỉ việc cùng đợt với chị, cũng đều được thu xếp ổn thỏa. 

"Những tưởng sa thải là... hết gặp lại nhau nhưng Tết vừa rồi tôi vẫn gọi điện cảm ơn giám đốc, vẫn giữ mối quan hệ qua lại rất tốt với mọi người ở công ty cũ. Mới đây, tôi đã đến nhận việc ở công ty mới", chị Hậu bộc bạch. 

Sa thải cần sự nhân văn 

Với lao động nữ tuổi trung niên, bị sa thải, mất việc có thể kéo đến những khủng hoảng đối với cá nhân, gia đình và cả an sinh xã hội. Nhiều nữ công nhân lớn tuổi thường trong tâm trạng lo sợ bị sa thải, mất việc làm, đi xin việc làm mới rất gian nan.

Sa thải nữ nhân viên lớn tuổi: Vắt chanh nhưng không... bỏ vỏ! - 2

Phụ nữ trung niên rất khó xin việc làm mới nếu rơi vào cảnh thất nghiệp (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại một buổi tọa đàm về lao động nữ ở TPHCM, nhiều nữ công nhân lâu năm chia sẻ, khi có tuổi, họ thường bị đánh giá năng lực làm việc giảm, mức lương theo thâm niên lại cao nên rất dễ rơi vào diện bị sa thải. 

Nhiều người làm ở công ty thời gian dài, sau đó bị sa thải, phải vất vả làm đủ việc công tự do để mưu sinh, lo cho gia đình. 

Trước vấn đề này, ngoài bản thân người lao động, rất cần các doanh nghiệp, công ty có những chính sách hợp lý với lao động nữ. Không chỉ tạo điều kiện làm việc, lương thưởng mà còn là cơ hội để họ học tập, nâng cao tay nghề, chuyên môn. 

Đặc biệt, khi không thể tránh được việc sa thải, cũng rất cần cách ứng xử nhân văn, nhân ái, tránh tình trạng "vắt chanh bỏ vỏ".

Công đoàn các Khu chế xuất & Công nghiệp TPHCM thường kết hợp với các công ty để cung cấp các khoác học đào tạo nghề như làm đẹp, nail, làm tóc... miễn phí cho nữ công nhân. Qua đó, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp cũng như có thể ứng phó trong trường hợp mất việc. 

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đào tạo & ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có môi trường, điều kiện học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công việc chuyên môn và cả trong cuộc sống gia đình.

Sa thải nữ nhân viên lớn tuổi: Vắt chanh nhưng không... bỏ vỏ! - 3

Nữ công nhân tại TPHCM được tư vấn, giới thiệu học nghề làm đẹp 

Bên cạnh đó, bản thân lao động nữ cần ý thức đầu tư thời gian cho học tập, nâng cao nhận thức, chăm sóc bản thân, đời sống tinh thần để mình có thể bắt nhịp với đổi mới trong công việc, lạc quan ứng phó với mọi tình huống. 

Nhân văn trong môi trường làm, nhất là đối với lao động nữ không chỉ lúc người lao động làm việc mà cần thể hiện ngay cả khi doanh nghiệp cắt giảm, sa thải nhân sự.

"Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang chú ý thực hiện điều này. Khi cắt giảm, sa thải họ sẽ đền bù một khoản tiền sao cho người lao động có thể duy trì cuộc sống được một thời gian để có hướng xoay xở. Họ mời các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp đến tư vấn, trò chuyện với người lao động. Nhiều nơi còn tổ chức tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc mới cho chính nhân sự của mình", bà Tâm bày tỏ.

Ứng xử với nhau nhân văn, có tình người là điều cần có trong mọi mối quan hệ xã hội, trong công việc lại càng quan trọng. Có như vậy, tình thế phải chia tay, người ra đi có bớt đi những khó khăn, oán trách thì người ở lại mới bớt áy náy.