Rước họa vào thân vì cái tính… thích đùa
Vậy là chuyện đã được đẩy thêm một bước, có thêm mắm thêm muối, và phần nhiều không đúng sự thật. Bởi trên thực tế, Hòa chỉ chớt nhả với các anh vậy, nhưng các anh nào có “xơ múi” được gì cô đâu.
Hòa mới về khoa, nhưng cô nổi tiếng vì sự bạo mồm bạo miệng. Cái mắt lúng liếng dao cau, cái miệng giỏi nỉ non, cái chân, cái tay thì chẳng chịu nhường anh nào cả, anh này véo một cái cũng phải véo lại, anh kia đá ghẹo một cái cũng phải “đáp lễ”. Mấy chị thâm niên ở khoa nói: “Em đối đáp với mấy thằng đó làm gì, chỉ tổ thiệt thân”. Hòa tưng tửng: “Vấn đề gì đâu các chị, để cho vui vẻ ý mà, chứ động vào em đâu dễ...!?”.
Hòa cứ ứng xử như thế, cho đến một hôm, chị vợ anh Trung tìm đến tận nơi và xin gặp Hòa. Chị ngọt nhạt: “Nhìn em thế này mà “bao la” nhỉ, em quan tâm đến nhiều người, nhưng thôi tha cho anh Trung nhà chị. Chị vốn chưa già cả gì, vẫn còn đủ sức chăm chút cho anh ấy, nếu mai này chẳng may có mệnh hệ gì thì chị nhờ em sau…”.
Rồi vợ anh Trung quay sang chuyện trò với mọi người như không có chuyện gì xảy ra, chị kể chị thấy mấy cái ảnh chụp liên hoan cơ quan trong máy điện thoại của anh Trung, trong đó có cái ảnh chụp Hòa đang gắp thức ăn cho anh Trung, miệng cười, mắt liếc tình tứ. Vốn người đáo để, chị tìm đến tận nơi vừa là để “cảm ơn” Hòa, vừa để gặp gỡ đồng nghiệp của chồng, như một sự “dằn mặt” có học thức…
Hòa xấu hổ, ngượng ngùng, nhưng không mở miệng thanh minh được, thôi thì “im lặng là vàng” để được yên thân.
Nhưng sự đời, “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”. Mấy hôm sau, Hòa đến cơ quan, đi đến đâu cô cũng cảm thấy có những ánh mắt lấm lét nhìn mình, rồi những bình phẩm cố ý lọt vào tai Hòa: “Không biết cô ta nghĩ gì mà trơ tráo thế nhỉ?”. “Ừ, hôm qua vợ lão Trung tìm tận tới đây đấy. Em mà như thế có mà chui xuống đất mà trốn ý chứ?”. “Chị bảo có gì với nhau chưa?”. “Chưa là chưa thế nào, có lần em thấy cả hai từ nhà nghỉ đi ra…”.
Hòa choáng váng, vì câu chuyện bị đẩy lên mức cao hơn, những lời nói ác ý, phần nhiều là sai sự thật. Bởi, Hoà chỉ tếu táo đùa cợt thế, chứ anh nào “xơ múi” được gì Hòa, lại toàn anh có vợ, Hòa cũng chẳng dính vào làm gì…
Rồi cái chuyện Hòa sợ nhất cũng đến. Trưởng khoa gọi Hòa lên, hỏi thẳng: “Nhiều lời xì xào không hay về nhân cách của cô, cô giải thích thế nào?”. Hòa đành trần tình ngọn nguồn, lấy danh dự thề sống thề chết, năn nỉ cho cô thêm một cơ hội.
Trưởng khoa hạ giọng: “Tạm thời tôi tin cô, nhưng đây là bài học xương máu cho cô đấy, liệu mà ứng xử. Môi trường giáo dục chứ không phải cái chợ, có thích nhau thì khuất mắt trông coi…”. “6 tháng thử việc tới, cô phải đảm bảo không có một lời ì xèo nào về cô, nếu không, cô tự thu xếp rời khỏi đây!”.
Đúng là, “chuyện bé xé ra to”, nhưng thực chất Hòa không thể hiểu được, ở cơ quan nhà nước, nhiều người cố tình tìm những sai sót của đồng nghiệp để “chơi bẩn”. Chuyện đùa cợt của Hòa, đời thường cũng chẳng ảnh hưởng gì, nhưng qua những “cái miệng mắm muối”, lại trở nên trầm trọng!