1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắk Lắk:

"Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời!"

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nữ phạm nhân 33 tuổi, vào tù với tội danh "Môi giới mại dâm", quyết tâm làm lại cuộc đời...

Việc làm khi hoàn lương

Ngày 26/4, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk phối hợp cùng Trại tạm giam Đắk Trung (Bộ Công An) và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình "Tư vấn tâm lý và định hướng cho phạm nhân với chủ đề: Học nghề và việc làm".

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 1

Gần 200 phạm nhân sắp mãn hạn tù tại Trại giam Đắk Trung được tư vấn, đào tạo nghề.

Tại chương trình, gần 200 phạm nhân sắp mãn hạn tù được chuyên gia trao đổi, tư vấn tâm lý để sẵn sàng tái hòa nhập với cộng đồng, giúp loại bỏ những mặc cảm, nỗ lực phấn đấu sau thời gian được cải tạo.

Các phạm nhân còn được Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk, trường Trung cấp Đắk Lắk, Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên giới thiệu, chia sẻ các ngành nghề đào tạo của đơn vị và những nghề mà địa phương đang "khát" nhân lực nhằm tạo điều kiện tối đa cho các phạm nhân sau khi hoàn lương.

Đồng thời, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng tham gia tư vấn, định hướng đào tạo nghề và sẵn sàng nhận các phạm nhân có tay nghề vào làm việc sau khi ra tù.

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 2

Nữ phạm nhân khao khát làm lại cuộc đời mình sau quá khứ lầm lỗi.

Chị M. (33 tuổi, ngụ tại huyện Cư M'gar) vào Trại giam Đắk Trung chấp hành án với tội danh "Môi giới mại dâm". Chị M. cho biết, do muốn có tiền tiêu xài một cách nhanh chóng nên chị đã liên lạc "điều" 4 cô gái đi tiếp khách và sau đó bán dâm. Trả giá cho hành vi phạm tội đó, chị bị tuyên phạt 3 năm tù giam.

Hiện chị M. còn 11 tháng thử thách trước khi được trở về với cuộc sống, cộng đồng. "Quãng thời gian trong trại, tôi ân hận về những việc mình làm. Tôi rất nhớ các con của mình và chỉ mong chấp hành thật tốt để sớm được về nhà. Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời, sẽ học nghề để kiếm tiền chân chính", chị M. tâm sự.

N. (19 tuổi, ngụ tại TP Buôn Ma Thuột) vào trại giam từ năm 17 tuổi, bị kết án về tội "Mua bán trái phép ma túy". Ngọc kể, gia đình em khó khăn, bố đau bệnh chỉ nằm một chỗ, mẹ bôn ba khắp nơi kiếm tiền chạy chữa thuốc thang. Cuộc sống khốn khó trăm bề nên em không được học hết tiểu học mà sớm phải bươn chải khắp nơi mưu sinh.

Trong một lần nghe theo lời bạn bè, N. đã lầm đường, sa vào ma túy.

"Khoảng một năm nữa em sẽ được trở về nhưng nghĩ tương lai phía trước thấy vẫn mờ mịt lắm. Hôm nay được tư vấn dạy nghề, đào tạo việc, em phấn chấn hơn và mong muốn khi ra khỏi trại có được một công việc phù hợp, tự kiếm sống nuôi bản thân cùng gia đình", cô gái trẻ bày tỏ.

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 3

Nữ phạm nhân không kìm được nước mắt khi nói về quá khứ lầm lỗi của mình.

Nam phạm nhân Tr. (23 tuổi, ngụ tại thị xã Buôn Hồ) cũng nhiều đêm mất ngủ, hối hận vì một phút nóng giận đánh người gây thương tích, phải trả giá bằng hình phạt tù ở trại giam Đắk Trung.

"Em biết đến nay, nói "giá như" là quá muộn màng nhưng em vẫn tin tưởng vào tương lai phía trước. Thông qua những buổi được đào tạo nghề, em mong muốn mọi người đừng kỳ thị những người có quá khứ lầm lỗi để chúng em có được cơ hội làm lại, có một công việc phù hợp", Tr. chia sẻ.

Xóa bỏ mặc cảm

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của tỉnh Đắk Lắk đã thu được những kết quả quan trọng. Đã có nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tự tin, xóa bỏ mặc cảm, rũ bỏ quá khứ lầm lỗi, phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống.

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 4

Trung tá Trần Thanh Quang - Giám thị Trại giam Đắk Trung mong muốn tất cả các phạm nhân chấp hành án xong sẽ có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định.

Chương trình tư vấn tâm lý, định hướng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ sự định kiến, kỳ thị, phân biệt của xã hội đối với những người đã từng lầm lỗi.

"Bên cạnh đó, hỗ trợ vấn về tâm lý, các thủ tục pháp lý, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm. Giúp tiếp cận các chính sách về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh giúp họ chuẩn bị các điều kiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 5

Các phạm nhân nỗ lực, hoàn thành tốt quá trình cải tạo để sớm hoàn lương.

Phát biểu tại chương trình, Trung tá Trần Thanh Quang - Giám thị Trại giam Đắk Trung bày tỏ mong muốn những phạm nhân sau khi chấp hành sau án phạt tù cùng với sự hỗ trợ, đào tạo nghề của các đơn vị, tổ chức, ban ngành sẽ sớm ổn định, có cuộc sống lương thiện, tìm được việc làm phù hợp nuôi sống được bản thân, gia đình.

Cũng theo Trung tá Quang, quá trình phạm nhân chấp hành án tại trại giam, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức đào tạo các ngành nghề: xây dựng, mộc, gò hàn, chăm sóc cà phê, cạo mủ cao su… giúp các phạm nhân trong độ tuổi lao động được tiếp cận, học hỏi các ngành nghề phù hợp.

Bên cạnh đó, những chương trình tư vấn, đào tạo nghề thiết thực là tiền đề cho các phạm nhân vững vàng hơn tương lai phía trước.

Rời khỏi đây, tôi sẽ làm lại cuộc đời! - 6

Nam phạm nhân 23 tuổi mong cộng đồng sẽ tiếp nhận, không kỳ thị những người từng lầm lỡ như anh.

Trong dịp này, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp Trại giam Đắk Tân (Bộ Công An) định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm cho phạm nhân.