“Rà soát phát hiện 8/63 tỉnh, thành thu BHYT HS-SV theo 15 tháng”

(Dân trí) - Đây là thông tin do ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN) - cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về BHYT cho học sinh, sinh viên năm học 2015-2016. Cuộc họp do BHXH VN tổ chức chiều 16/9 tại Hà Nội.

Buổi họp báo về BHYT do BHXH VN tổ chức chiều 16/9
Buổi họp báo về BHYT do BHXH VN tổ chức chiều 16/9

Thông tin thu BHYT học sinh, sinh viên "một gói" 15 tháng chính là một trong các nguyên nhân khiến dư luận có nhiều bức xúc thời gian qua. Trong khi đó, Thông tư 41/2014/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn việc thu BHYT không nhắc tới việc thu "một gói" 15 tháng.

Theo lý giải của BHXH VN, năm học 2015-2016 là thời điểm đầu tiên thực hiện Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Theo đó, mức thu sẽ tăng từ 3 % lên 4,5 % lương cơ sở, việc thu được thực hiện theo năm tài chính (từ 1/1 - 31/12 hàng năm) thay cho việc thu theo năm học.

“Cụ thể mức thu BHYT năm 2015 - 2016, học sinh và sinh viên sẽ đóng khoảng 51.000 đồng x 12 tháng. Một năm, học sinh - sinh viên sẽ đóng 612.000 đồng. Nhà nước hỗ trợ 30%. Như vậy, từ năm học 2015-2016, tiền đóng BHYT là hơn 430.000 đồng/học sinh, sinh viên” - ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết.

Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của HSSV năm học 2014-2015 sẽ kết thúc vào tháng 9/2015. Trong khi đó, năm tài chính 2016 bắt đầu từ 1/1/2016 còn tới 3 tháng. Chính vì vậy, một số tỉnh, thành đã thực hiện việc thu gộp 3 tháng còn lại của năm 2015.

Lý giải việc thực hiện đóng BHYT 15 tháng, ông Trần Đình Liệu cho biết: “Mặc dù Thông tư 41/2014/TTLT-BTC-BYT không quy định thu gộp 15 tháng. Nhưng do cách hiểu chưa đúng nên khi tổ chức triển khai, đơn vị BHXH và giáo dục ở tại 8 tỉnh, thành đã hướng dẫn thu BHYT gộp 15 tháng”.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh học sinh bức xúc.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi kinh phí đóng góp đầu năm cho nhà trường của các gia đình không nhỏ.

Mức đóng BHYT tăng sẽ gây khó khăn cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn.

Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (BHXH VN) cho biết, tới ngày 15/9, 8 tỉnh, thành đã thực hiện chỉ đạo thu BHYT theo 15 tháng, gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, TP HCM. Riêng TP HCM đã chiều chỉnh dừng ngay việc thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng từ hôm 12/9.

“Ngay sau đó, chúng tôi đã triển khai xin ý kiến thu 6 tháng hoặc 1 năm theo Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT. Tính trung bình 8 tỉnh đã thực hiện thu BHYT 15 tháng, mỗi tỉnh có khoảng 150.000 đối tượng học sinh - sinh viên thuộc diện phải đóng. Còn việc đã thu được bao nhiêu tiền theo gói 15 tháng, chúng tôi chưa có thống kê cụ thể được” - ông Trần Đình Liệu cho biết.

BHXH VN cho biết, bên cạnh 8 tỉnh hướng dẫn thu 15 tháng, có 50 tỉnh có hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc tháng 12 tháng, 5 tỉnh hướng dẫn thu theo năm học (từ tháng 9 năm nay tới tháng 9 năm sau).

Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN: Chúng tôi có 1 phần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, khiến một số giáo viên và hiệu trưởng chưa hiểu và cho rằng thu BHYT là công việc “thu hộ”. Thực ra, trách nhiệm về việc nhà trường thu BHYT đã được quy định rõ trong các nghị định, thông tư liên quan.

Để linh hoạt trong việc đóng BHYT của học sinh - sinh viên, BHXH VN đề nghị liên Bộ Y tế-Tài chính bổ sung Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT phù hợp với Luật BHYT và Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014. Theo đó có quy định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Liên quan tới câu hỏi trách nhiệm của BHXH ra sao khi thông tin đóng 15 tháng BHYT gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh? Ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Luật BHXH 2014 đã quy định rành mạch trách nhiệm các bên. BHXH VN đã có thông tin ngay khi có phản hồi về mức đóng 15 tháng. Theo đó, việc đóng BHYT sẽ phân kỳ thu 3 tháng, 6 tháng trong năm học 2015-2016”.

15 triệu học sinh - sinh viên có thẻ BHYT.

Theo BHXH VN, tỷ lệ học sinh - sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm.

- Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT.

- Năm học 2012-2013, tỷ lệ này là khoảng 80%. Năm học 2013-2014, tỷ lệ này là 85%.

- Năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HSSV có thẻ BHYT (trong đó 12,3triệu HSSV đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HSSV tham gia BHYT tại các nhóm khác).

Với câu hỏi chất lượng dịch vụ có được gia tăng lên khi mức đóng BHYT tăng? Ông Phạm Lương Sơn cho rằng: Ngành y tế - một trong các bên tham gia chính sách BHYT - đã có chuyển biến trong phục vụ đối tượng BHYT nói chung và học sinh - sinh viên tham gia BHYT nói riêng.

"Tôi thấy họ đã có quan niệm "tính tiền vào nụ cười của nhân viên y tế”. Chúng tôi quan tâm hơn hết đối với vấn đề này".

Với câu hỏi, kết dư của quỹ BHYT học sinh sinh viên không nhỏ, nhưng có được dành cho nhóm này không?

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, nguyên lý của BHXH là cộng đồng. HSSV là 1/5 nhóm đối tượng của BHXH. Do vậy, kết dư của BHYT học sinh sinh viên đều quay lại để hỗ trợ cho HSSV nâng cao chất lượng khám chưa bệnh, cụ thể: Thanh toán các tai nạn thương tích, thanh toán các bệnh mới mà luật cũ không quy định (ví dụ bệnh lác)...

Ngành giáo dục có “thu hộ” BHYT cho ngành BHXH?

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Không có chuyện”thu hộ” ở đây. Theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc thực hiện thu BHYT khá rõ ràng.

“Tại Điều 7b của Luật BHYT sửa đổi năm 2014, có quy định: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý. Đồng thời, Điều 17 cũng quy định, việc lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, theo Nghị định số 105/2014/NĐ-CP: Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Theo Thông tư 41: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.

Đối với học sinh, sinh viên thuộc nhiều đối tượng khác nhau quy định tại Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 1 Thông tư 41 đang theo học tại cơ sở giáo dục do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thì tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 8 Điều này và xuất trình thẻ BHYT cho cơ sở giáo dục khi lập danh sách tham gia BHYT, tránh việc cấp trùng thẻ BHYT"

Hoàng Mạnh