Quỵt tiền của thực tập sinh

Nhiều thực tập sinh đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản khi về nước không được công ty phái cử trả lại hàng trăm triệu đồng là tiền đặt cọc chống trốn

Vừa qua, nhiều người đi xuất khẩu lao động từ Nhật Bản trở về đã đến Báo Người Lao Động phản ánh họ bị Chi nhánh Công ty CP Cung ứng và Xuất nhập khẩu lao động Hàng không (Alsimexco) TP HCM (quận Tân Bình, TP HCM) quỵt gần cả trăm triệu đồng. Đây là số tiền công ty tự quy định là tiền chống trốn, tương đương với 4.000 USD, sau khi họ đã đóng 3.500 USD tiền làm hồ sơ.

Tùy tiện thu tiền

Theo đơn trình bày, ngày 20-10-2011, anh Trương Hoàng Long (Đắk Nông) được Alsimexco ký kết hợp đồng đưa đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Anh Long đã đóng cho Alsimexco tổng cộng 7.500 USD gồm 3.500 USD tiền làm hồ sơ, còn 4.000 USD (tương đương 84,4 triệu đồng) là tiền đặt cọc chống trốn. Tiền làm hồ sơ có phiếu thu còn tiền đặt cọc chống trốn được thể hiện trên phụ lục hợp đồng, không có phiếu thu.

Tại điều 6 của phụ lục hợp đồng có nội dung: “… Sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, bên B (thực tập sinh - TTS) sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ tìm việc, tái hòa nhập và ổn định cuộc sống với số tiền là 84,4 triệu đồng…”. Tháng 10-2014, anh Long về nước và đến Alsimexco để làm thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng không được Alsimexco trả số tiền trên. Nhiều lần sau, anh Long tiếp tục đến Alsimexco đòi tiền nhưng đều không được giải quyết.

Quỵt tiền của thực tập sinh

Dù đã ký hợp đồng cam kết trả tiền chống trốn cho thực tập sinh nhưng ông Đào Xuân Vy (giữa) lại cho rằng Alsimexco không thu khoản tiền nàyẢnh: Bảo Nghi

Quá bức xúc, anh Long nhờ LĐLĐ quận Tân Bình can thiệp. Ngày 25-11-2014, LĐLĐ quận Tân Bình tiến hành hòa giải tranh chấp lao động giữa anh Long và Alsimexco. Theo đó, đại diện Alsimexco hẹn anh Long ngày 16-4-2015 đến Alsimexco để thanh lý hợp đồng và nhận số tiền trên. Đúng hẹn, anh Long đến nhưng vẫn không được Alsimexco trả tiền. Lý do công ty đưa ra hết sức vô lý: Chưa có tiền (?!).

Không chỉ có anh Long mà nhiều TTS khác như Nguyễn Thị Nguyệt (Nghệ An), Nguyễn Thị Thanh Tư (Phú Yên), Trương Thị Mai Hương (TP HCM), Nguyễn Thị Hiền, Võ Thị Anh… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Xuân Vy, Phó Giám đốc Alsimexco, khẳng định công ty không có chủ trương thu tiền đặt cọc chống trốn của TTS. Thế nhưng, trong phụ lục hợp đồng lao động do chính ông Vy ký lại có điều khoản cam kết sẽ trả tiền cho TTS sau khi về nước. Trước bằng chứng này, ông Vy lại đẩy trách nhiệm cho ông Vũ Xuân Hùng - chuyên viên xuất khẩu lao động đã nghỉ việc.

“Lúc mới thành lập trung tâm xuất khẩu lao động, một số người ở đơn vị chưa có nghiệp vụ nên tháng 8-2010, Alsimexco đã ký hợp đồng thuê ông Vũ Xuân Hùng (SN 1974, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) phụ trách lĩnh vực xuất khẩu lao động. Alsimexco đã giao hết công việc xuất khẩu lao động cho ông Hùng. Ông Hùng đã soạn phụ lục hợp đồng đưa tôi ký. Hiện vụ việc đã được đơn vị gửi đến cơ quan công an nhờ can thiệp” - ông Vy phân trần.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho biết về mặt pháp lý, Alsimexco đã ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng thì đơn vị phải có trách nhiệm với TTS, ông Vy đề nghị TTS cung cấp hồ sơ để Alsimexco xem xét.

Trước sự việc trên, ông Vũ Xuân Hùng nói: “Trong quá trình làm việc ở Alsimexco tôi đã đưa tổng cộng 183 TTS đi Nhật Bản. Tôi không hề thu tiền của TTS. Hiện tôi đã nghỉ việc nên không còn liên quan đến vụ việc này”.

Kiện ra tòa đòi quyền lợi. Luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng căn cứ trên hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký giữa TTS với Alsimexco thì Alsimexco phải có trách nhiệm trả tiền cho TTS. Nếu Alsimexco không trả, TTS có thể kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo một chuyên gia xuất khẩu lao động, giai đoạn trước đây, hầu như tất cả đơn vị đưa TTS đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản đều thu tiền đặt cọc chống trốn, số tiền này họ không giữ lại mà gửi vào ngân hàng. Khi TTS về nước đúng cam kết sẽ được trả lại cả tiền cả gốc lẫn lãi.

Theo Trương Hoàng/Báo Người lao động