1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

Bộ Tư pháp cho biết, tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại, đồng thời Nghị định này cũng quy định Thừa phát lại có nghĩa vụ chấp hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ quản lý Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ của Văn phòng mình tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; đặc biệt là chế tài Thừa phát lại bị miễn nhiệm khi vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại - 1

Ngoài ra, Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn quy định về việc thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại trong đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm, tập sự hành nghề Thừa phát lại, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Để triển khai thực hiện Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và yêu cầu quản lý nhà nước thì việc ban hành Thông tư về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại là cần thiết.

Theo dự thảo, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, để thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại, là cơ sở để Thừa phát lại tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại, nâng cao uy tín của Thừa phát lại, góp phần tôn vinh nghề Thừa phát lại trong xã hội.

Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, Thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức.

Dự thảo cũng nêu rõ, Thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề thừa phát lại, thanh danh nghề nghiệp; cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

Theo baochinhphu.vn