1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quy định về tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác

Tôi năm nay 55 tuổi là nhân viên phòng hành chính của một trường cao đẳng công lập. Vừa qua, tôi được thông báo là Hiệu trưởng sẽ tạm thời phân công tôi xuống làm bảo vệ, trực ban ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Quy định về tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác - 1

Xin hỏi Tòa soạn như vậy có đúng với quy định của Bộ luật Lao động hay không? - Trần Văn Thiệu (tranthieu***@gmail.com).

* Trả lời:

Theo Điều 8 Mục 2 Nghị định số: 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động" nêu rõ: Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Sự cố điện, nước; Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.

Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại Khoản 3 Điều này mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động.

Còn tại Điều 25 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ "về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức", quy định: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.

Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và theo thư bạn viết, nếu không có lý do chính đáng hoặc thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 8 Nghị định số: 05/2015/NĐ-CP, thì Hiệu trưởng nhà trường không được tạm thời phân công bạn xuống làm bảo vệ.

Theo chúng tôi, tốt nhất là bạn nên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo nhà trường để được giải đáp thỏa đáng. Trong trường hợp quyền lợi của bạn không được giải quyết chính đáng thì bạn có thể kiến nghị với Công đoàn nhà trường để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình.

Theo Báo Giáo dục thời đại.