1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quý 4/2015: Sàn GDVL Hà Nội cần trên 15.000 lao động

“Quý 4/2015, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang gấp rút thực hiện kế hoạch cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu về lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội tiếp nhận tối thiểu 15.000 chỉ tiêu tuyển dụng trong Quý này”.


Nguồn việc từ TT DVVL Hà Nội khá đa dạng và miễn phí tuyển dụng.

Nguồn việc từ TT DVVL Hà Nội khá đa dạng và miễn phí tuyển dụng.

Bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trao đổi với PV Dân trí về nhu cầu tuyển dụng cuối năm tại Sàn GDVL Hà Nội.

Thưa bà, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tới Sàn GDVL Hà Nội trong quý 4/2015 có gì khác so với các quý trước? Dự kiến các ngành nghề nào sẽ có nhu cầu tuyển nhiều trong thời điểm này?

- So với 3 quý đầu năm 2015, quý 4 là thời điểm “nước rút” của nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như dịp cao điểm của nhiều doanh nghiệp dịch vụ thương mại. Điều này tất yếu dẫn tới nhu cầu tuyển dụng khối này tăng lên.

TT DVVL Hà Nội ước tính có khoảng 15.000-16.000 chỉ tiêu tuyển dụng dành cho người lao động trong Quý 4. Trong đó, tỉ lệ nguồn việc về dịch vụ, thương mại chiếm hơn 80%. Chủ yếu là các công việc thời vụ có xu hướng tăng, như: Bán hàng hội chợ Tết, phát quà khuyến mãi, tiếp thị, chăm sóc khách hàng…

Các vị trí làm việc dài hạn ít có nhu cầu tuyển từ phía doanh nghiệp. Đồng thời, nhân sự có trình độ hoặc đang làm việc lâu năm ở doanh nghiệp cũng hạn chế chuyển đổi việc làm, vì chờ khoản thưởng cuối năm của doanh nghiệp.

Cũng trong quý 4/2015, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm khi đến với TT DVVL Hà Nội. Bên cạnh các Phiên GDVL vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, TT DVVL sẽ tổ chức nhiều Phiên GDVL chuyên đề cũng như lưu động, cụ thể: Phiên GDVL cho bộ đội xuất ngũ, Phiên GDVL dành cho doanh nghiệp Nhật Bản, Phiên GDVL ngành khách sạn nhà hàng, Phiên GDVL lưu động tại huyện Sóc Sơn và quận Long Biên…


Bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội)

Bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội)

Bên cạnh chức năng cầu nối việc làm cho nhân lực trung và cao cấp, mô hình Sàn GDVL Hà Nội luôn được xem là dịch vụ công, “lưới an sinh” cho lao động phổ thông bởi các dịch vụ tư vấn miễn phí, thông tin chính xác, đa dạng về nguồn việc. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây cho thấy đối tượng lao động phổ thông của Hà Nội ít tới Sàn GDVL tìm việc. Lý do ở đâu, thưa bà?

- Hà Nội là nơi thu hút nhiều khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp, nhà máy quy mô lớn, cần nhiều lao động. Bởi vậy về lý thuyết, lực lượng lao động tại chỗ chưa chắc đã đáp ứng đủ. Trong khi đó, lượng lao động ngoài tỉnh đổ về Hà Nội tìm việc khá đông.

Điều này tạo ra sự chênh lệch và cảm giác cho rằng lao động phổ thông của Hà Nội luôn thiếu vắng trong các Phiên GDVL của TT DVVL Hà Nội.

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng cũng cho thấy một thực tế nữa: Lao động phổ thông ở Hà Nội ít chấp nhận với mức lương quá thấp. Tối thiểu lương khởi điểm của họ cũng phải từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể công việc không được xa nhà quá từ 7-10 km.

Chưa kể có một bộ phận vẫn tự tạo việc làm tại chỗ qua việc làm tại chỗ, như: Bán hàng, chạy xe ôm, sản xuất tại nhà, tự trồng trọt và chăn nuôi trên mảnh vườn của mình…

Trong khi đó, chúng tôi ghi nhận ở các Phiên GDVL luôn có không ít ứng viên ngoại tỉnh vác ba lô, túi xách từ quê đến thẳng Sàn GDVL để tìm việc lao động phổ thông. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương khởi điểm hơn 3 triệu đồng/tháng.

Các Phiên GDVL luôn có tỉ lệ tới 50-60 % là nhu cầu tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông. Tuy nhiên, tỉ lệ ứng tuyển thành công chủ yếu thuộc về ứng viên lao động ngoại tỉnh.

Bên cạnh nhóm lao động phổ thông, nhận định của TT DVVL Hà Nội cũng cho rằng nhóm nhân viên kinh doanh -  thương mại khó tuyển, mặc dù nguồn việc không thiếu. Bà có thể giải thích thêm điều này?

- Tôi cho rằng nguyên nhân khó tuyển đến từ hai phía. Trong chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp, vị trí nhân viên kinh doanh có mức lương cố định từ 3.500.000 - 4.000.000 đồng/người/tháng.

Muốn gia tăng thu nhập và đáp ứng năng suất lao động, họ phải đạt được định mức đề ra. Từ đó, họ sẽ có thu nhập thêm từ phần hoa hồng doanh thu kèm theo dịch vụ.

Trong khi đó, lĩnh vực này chủ yếu gồm các công việc kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, với đối tượng bạn trẻ mới ra trường.

Dù năng động, nhiệt tình nhưng do những thách thức về định mức kinh doanh cao, sự kiên nhẫn, việc đi lại nhiều, kinh nghiệm giao tiếp khiến tỉ lệ bạn trẻ gắn bó với nghề còn chưa cao.

Một điều cần nói thêm, không ít doanh nghiệp còn ngại đưa ra chế độ ưu đãi hấp dẫn tới ứng viên, chỉ tiêu lại quá cao so với mức đãi ngộ. Những điều này phần nào khiến cho việc kết nối cung - cầu còn nhiều khó khăn.

Xin cảm ơn bà

Qua 9 tháng đầu năm 2015, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có:

68 Phiên GDVL định kỳ vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, trong đó có lòng ghép các Phiên GDVL chuyên đề.

4 Phiên GDVL lưu động tại quận Nam Từ Liêm, huyện Gia lâm, quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy.

Hơn 38.000 chỉ tiêu tuyển dụng được gửi tới từ hơn 2.300 lượt doanh nghiệp.

Hơn 28.300 lượt ứng viên được phỏng vấn lần một, hơn 17.000 lượt ứng viên được hẹn phỏng vấn vòng 2…

Hoàng Mạnh (thực hiện)

 

TIN LIÊN QUAN:

TP.HCM: Tổ chức Phiên GDVL lần 4/2015

Trung tâm DVVL TP.HCM Phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH quận 4 dự kiến tổ chức Sàn GDVL Quận 4 lần 4 tại Công viên Khánh Hội (Phường 3, Quận 4).

Quý 4/2015: Sàn GDVL Hà Nội cần trên 15.000 lao động - 3

Thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, đặc biệt ưu tiên cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; hướng dẫn thủ tục đăng ký hồ sơ xin việc; Tư vấn pháp luật lao động miễn phí cho doanh nghiệp, người lao động; Các doanh nghiệp thực hiện phỏng vấn trực tiếp người lao động để tuyển dụng; thu nhận hồ sơ, sắp xếp lịch phỏng vấn sau sơ tuyển. Dự kiến có 30 đơn vị gồm có 30 doanh nghiệp và Trung tâm Dạy nghề tham dự. Số nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1.742 vị trí việc làm. Cụ thể số lượng lao động ở các ngành nghề, như: Da giầy, may mặc; Kinh doanh và quản lý; Tài chính, chứng khoán, BĐS; Xây dựng, kiến trúc; Khách sạn, du lịch, dịch vụ; Thực phẩm, đồ uống; Chế tạo, chế biến; Kỹ thuật, cơ khí…Đây là cơ hội để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, các bạn sinh viên học sinh có nhu cầu tìm việc tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp; tham gia nộp hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp.

H.M

Cao Bằng: Dạy nghề và tạo việc làm cho lao động

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng) vừa khai giảng các lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ năng chăn nuôi và trồng trọt cho nông dân trong tỉnh. Đây là các lớp dạy nghề ngắn hạn cho đối tượng lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Quý 4/2015: Sàn GDVL Hà Nội cần trên 15.000 lao động - 4

Trong thời gian 03 tháng học, các học viên sẽ được hướng dẫn những nội dung chủ yếu về chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho gà, lợn theo phương pháp hữu cơ; trồng và nhân giống nấm. Học viên chủ yếu đến từ các xã: Cao Chương (huyện Trà Lĩnh), Phù Ngọc (Hà Quảng) và xã Hoàng Tung (Hòa An). Lớp học được tổ chức ngay tại địa bàn thôn, xóm nơi các học viên cư trú, trong quá trình học các học viên tham gia sẽ được cung cấp đầy đủ đồ dùng hỗ trợ học tập, tài liệu kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, kỹ thuật trồng và nhân giống nấm và được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày theo quy định. Sau khóa đào tạo các học viên có thể áp đụng những kiến thức đã học vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

H.N

Năm 2016, người lao động được nghỉ 10 ngày Lễ, Tết hưởng nguyên lương

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố lịch nghỉ Tết Bính Thân 2016 với 9 ngày, gồm 5 ngày nghỉ lễ và 4 ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, căn cứ theo Luật Lao động, năm 2016, người lao động sẽ được nghỉ 10 ngày lễ, tết hưởng nguyên lương.

Quý 4/2015: Sàn GDVL Hà Nội cần trên 15.000 lao động - 5

Đối tượng của việc điều chỉnh lịch nghỉ lễ, tết là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Do có 3 ngày lễ, tết trên trùng với ngày cuối tuần, nên người lao động sẽ có thêm 3 ngày nghỉ bù. Đồng thời, những ngày lễ, tết năm 2016 sẽ liền kề với 9 ngày nghỉ cuối tuần. Điều này có nghĩa là người lao động có thể nghỉ liền thêm các ngày cuối tuần tùy thời điểm ngày lễ, tết diễn ra. Như vậy, người lao động được hưởng tổng số là 22 ngày nghỉ trong các dịp lễ, Tết trong năm 2016 (gồm 10 ngày lễ, tết; 3 ngày nghỉ bù; 9 ngày liền kề). Trong đó, 10 ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương. So với năm 2015, số ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ bù, ngày nghỉ liền kề của năm 2016 không thay đổi. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, người lao động không phải đi làm bù cho dịp nghỉ Tết Bính Thân 2016.

P.O