Quảng Ninh: Đề xuất thực hiện sổ bảo hiểm thất nghiệp điện tử
(Dân trí) - “Với sổ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) điện tử, người lao động có thể ngồi nhà đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp theo dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4”.
Ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh) - lý giải về đề xuất triển khai sổ BHTN điện tử.
Lao động thất nghiệp tăng 31,9%
Theo ông Phạm Ngọc Khánh, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vì thế giảm, còn số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng.
Thống kê cho thấy, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh các tháng đầu năm 2020 tăng hơn 31,9 % so với cùng kỳ 2019. Trong quý I/2020, Trung tâm đã tiếp nhận 1.700 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Riêng tháng 4/2020, số lượng người đăng ký và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.400 xấp xỉ bằng cả quý I. Tháng 5/2020, mới trong khoảng 20 ngày, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đã trên 1.000 người.
Số lao động đăng ký hưởng trở cấp thất nghiệp cao đã tạo áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm DVVL Quảng Ninh. Trung tâm không chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mà còn thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết chế độ, chính sách, hỗ trợ người lao động học nghề để sớm quay trở lại lao động. Do đó, Trung tâm đã phải huy động lực lượng của các bộ phận nghiệp vụ khác sang hỗ trợ.
“Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh là 1 trong số 4 trung tâm đề xuất cho phép tiếp nhận hồ sơ qua mạng xã hội, điện thoại…Khi người lao động mang hồ sơ đến nộp trực tiếp chỉ việc đối chứng, kiểm tra. Tuy nhiên việc này cũng mất thêm thời gian”, ông Khánh phân tích.
Từ thực tế này, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Khánh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu triển khai sổ BHTN điện tử để vừa tạo thuận lợi cho người lao động trong việc thụ hưởng chính sách vừa thuận lợi cho hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Hỗ trợ lao động tìm việc phù hợp
Thông tin về tình hình việc làm của người lao động, ông Khánh cho biết, Quảng Ninh có nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động với nhiều vị trí việc làm, nên người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.
Điều này cũng dẫn đến tâm lý chọn việc, kén việc của người lao động. Đa số lao động muốn làm việc ở các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch. Rất ít lao động lựa chọn làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay đơn vị sản xuất, chế tạo.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch đều đang phải giãn việc, ngừng việc. “Khảo sát thông tin cho thấy, hầu hết số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý I, tháng 4-5/2020 hầu hết ở các lĩnh vực du lịch, thương mại và dịch vụ”, ông Khánh thông tin.
Mặt khác, đa số người lao động mong muốn tìm công việc phù hợp bản thân trong khi hầu hết doanh nghiệp tạm đứng vững trong đại dịch lại có khoảng cách, vị trí địa lý khá xa so với người lao động. Lao động biết doanh nghiệp chưa phù hợp với mong muốn nguyện vọng của mình nên tham gia vào các phiên giao dịch việc làm còn hạn chế.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như: Ban xúc tiến đầu tư, bản quản lý khu công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp địa phương… để khai thác nguồn cầu lao động thực sự hấp dẫn cho người lao động trong tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, đẩy mạnh hoạt động kết nối với các tỉnh bạn mở các phiên giao dịch online nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh đến Quảng Ninh.
Ngoài ra, Trung tâm DVVL tỉnh cũng sẽ mở rộng các hoạt động thông tin thị trường lao động; duy trì tốt hoạt động của các trang facebook sàn giao dịch việc làm; phối hợp với các địa phương thực hiện điều tra cung - cầu; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc cung ứng lao động…