Quảng Bình: Gia tăng hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp do dịch Covid-19
(Dân trí) - Tới nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận gần 1.600 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình (Sở LĐ-TB&XHXH Quảng Bình), dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí là đóng cửa, dẫn đến số lượng người lao động (NLĐ) thất nghiệp tăng cao.
Nỗ lực đưa lao động trở lại thị trường
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ công tác giải quyết chế độ cho NLĐ - Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế.
NLĐ đến trung tâm liên hệ tìm kiếm việc làm, nộp hồ sơ, thực hiện các thủ tục cần thiết đều được hướng dẫn tuân thủ chấp hành quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh, như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách…
Trung tâm DVVL tỉnh cũng đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, chủ động tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp cho NLĐ kịp thời, đúng quy định.
Đặc biệt, đơn vị đã thông tin đầy đủ cho NLĐ về các trường hợp không phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, hỗ trợ học nghề và những trường hợp không phải thực hiện thông báo về tìm kiếm việc làm theo quy định để hạn chế tập trung đông người. Kết quả, trong 3 tháng đầu năm 2020, hơn 600 người đã nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền phải chi trợ cấp thất nghiệp trên 9 tỷ đồng.
“Đặc thù của Quảng Bình là có số lao động đi làm việc tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp không tuyển dụng lại lao động thì lao động thất nghiệp chắc chắn sẽ trở về địa phương. Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì thế sẽ tiếp tục tăng”, ông Phương dự báo.
Ông Phương cũng cho biết, đối với những lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu lớn nhất vẫn là đưa NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động. Vì vậy, Trung tâm luôn tích cực hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm mới và tư vấn cho NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân khi tái hòa nhập thị trường lao động.
Đổi mới kết nối cung cầu
Ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa mới xuất hiện, Trung tâm DVVL tỉnh đã chủ động lên phương án và triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, đơn vị đã đa dạng hóa, đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ NLĐ trong mùa dịch.
Phát huy hiệu quả chức năng kết nối "cung-cầu" lao động, Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình đã đổi mới, đa dạng về cách thức tổ chức sàn giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động phù hợp các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, để hỗ trợ NLĐ tiếp cận với thông tin tuyển dụng chính thức của các doanh nghiệp dễ dàng, bảo đảm thống nhất và linh hoạt về thị trường lao động, Trung tâm thường xuyên kết nối với doanh nghiệp nắm bắt thông tin về vị trí việc làm cần tuyển dụng và cập nhật liên tục thông tin trên website, trang Fanpage chính thức và niêm yết tại bảng tin của trung tâm. Trên cơ sở đó, NLĐ dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trung tâm còn đổi mới tổ chức phiên giao dịch việc làm bằng hình thức online từ đầu tháng 3. Cụ thể, từ hình thức tìm hiểu, phỏng vấn trực tiếp, doanh nghiệp, NLĐ chuyển sang tìm hiểu thông tin trên hệ thống kết nối liên thông. Sau đó, dựa trên thông tin NLĐ đăng ký và doanh nghiệp lựa chọn ứng cử viên, các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ tiến hành phỏng vấn online NLĐ.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách về việc làm nói chung, BHTN nói riêng đến gần 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, nắm tình hình biến động lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động để ổn định lại sản xuất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khai thác các vị trí việc làm trống để hỗ trợ cho những NLĐ thất nghiệp trong đợt dịch Covid-19 sớm quay trở lại thị trường lao động.