Đắk Nông:
Quá nửa nhân công thành F0 giữa mùa thu hoạch, chủ vườn tiêu méo mặt
(Dân trí) - Mùa thu hoạch hồ tiêu, giá công thu hái bị đẩy lên cao do khan hiếm lao động. Nhiều chủ vườn dù kiếm được người cũng đang dở khóc, dở cười vì hàng loạt nhân công trở thành F0, phải cách ly điều trị.
Bỏ thì thương…
Xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Sau Tết Nguyên đán hàng năm, thủ phủ hồ tiêu này thường đón những dòng người di cư lớn đổ về cho mùa thu hoạch hồ tiêu thuê.
Năm 2022, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thủ phủ hồ tiêu Đắk Nông đang gặp cảnh "dở khóc, dở cười" khi nhiều người lao động thành F0 đúng thời điểm mùa vụ rốt ráo.
Ông Phạm Quảng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N'Jang cho biết, đầu vụ thu hoạch hồ tiêu, dòng người lao động từ tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận… đổ về xã. Theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tất cả người dân khi đến địa phương sẽ được test nhanh, âm tính mới được đi nhận việc.
"Có ngày chúng tôi phát hiện 5- 6 người đi chung một chuyến xe mắc Covid-19, tất cả người trên xe phải theo dõi sức khỏe. Phần lớn những người này đều có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, chấp nhận đi làm xa để có thu nhập nên địa phương cũng có trách nhiệm chăm lo đời sống và hỗ trợ trong suốt quá trình điều trị với người mắc bệnh", ông Nam thông tin.
Ông Nam kể thêm, một số trường hợp phát hiện mắc Covid-19 trong thời gian làm việc. Gặp trường hợp này, chủ vườn phải thuê xe cấp cứu về tận vườn chở người làm đi cách ly, điều trị và "bao ăn, ở" đối với những người khác phải tạm dừng việc để cách ly, theo dõi.
Ở trong trường hợp này, anh Đoàn Văn Miên (thôn 7, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song) cho biết, gia đình anh có hơn 4 ha hồ tiêu. Tưởng chừng mùa tiêu năm nay chắc thắng khi gia đình thuê được một nhóm nhân công từ tỉnh Gia Lai tới ăn ở, thu hoạch tiêu nhưng anh Miên đang méo mặt khi trong số người làm có người mắc Covid-19 và toàn bộ số lao động phải cách ly ngay tại vườn rẫy của gia đình.
"Họ đều là người Gia Rai, hoàn cảnh cũng khó khăn nên mình phải nuôi họ. Cũng rất may, tất cả các thợ hái tiêu đã được tiêm đủ mũi vaccine, số người mắc Covid-19 ít nên sau một tuần cách ly, những người khỏe mạnh đã đi làm bình thường", anh Miên nói.
Chật vật sau cách ly
Hơn nửa tháng trước, anh Vũ Văn Thắng (bản Đắk Lép, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song) thuê được nhóm 10 người hái tiêu đến từ tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian theo dõi sức khỏe thì có người trong nhóm được xác định mắc Covid-19.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, số người còn lại và cả bản thân anh cũng phải tự theo dõi sức khỏe theo quy định phòng, chống dịch.
Anh Thắng chia sẻ: "Năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì thế, việc thuê nhân công từ những nơi khác cũng rất khó khăn và tốn kém. Gia đình tôi chấp nhận trả công cao, đồng thời phục vụ ăn uống với hy vọng sẽ sớm thu hoạch xong vườn hồ tiêu, thế nhưng họ không may mắc bệnh, mình cũng phải có trách nhiệm".
Hơn một tuần lễ vừa nuôi ăn, ở, vừa phải trả công cho mỗi người 100.000 đồng/ngày, trong khi vườn tiêu thì đã chín rụng đỏ gốc, anh Thắng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười".
"Gần 2 tuần lễ nhóm người này mới cách ly, điều trị xong thì 4 người khác lại bắt xe về lại quê. Chỉ còn 6 người làm nên đến giờ nhà tôi vẫn chưa hái xong vườn tiêu", anh Thắng cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đức Thành, một chủ vườn tiêu tại xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) may mắn hơn khi toàn bộ số nhân công đều ở lại làm sau khi điều trị xong Covid-19 song do sức khỏe còn yếu, năng suất làm việc thấp hơn rất nhiều so với những nhân công khác.
"Ban đầu chúng tôi khoán theo ngày công, mỗi ngày hơn 200.000 đồng. Tuy nhiên, tôi phải chuyển sang khoán sản lượng để bảo đảm tiến độ. Những người ốm dậy làm việc chậm nên chủ vườn buộc phải làm vậy", anh Thành cho hay.
Bà Trần Thị Hà Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N'Drung (huyện Đắk Song) chia sẻ, người dân từ khắp nơi đổ về địa phương làm nghề hái hồ tiêu thuê đã tạo nên áp lực cho công tác phòng, chống dịch của xã. Cùng với việc khuyến khích người lao động test nhanh để sàng lọc thì các tổ Covid-19 cộng đồng phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người dân.
Trong khoảng thời gian 15 ngày trở lại đây, xã Đắk N'Drung đón nhận gần 400 trường hợp người lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk... tới hái tiêu thuê. Cũng trong khoảng thời gian này, qua test nhanh, chính quyền địa phương phát hiện 81 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.