Phút yếu lòng của chị em công sở

Nếu không tự xây dựng kỷ luật riêng, chị em sẽ tự biến mình thành con rối trên chuỗi díc dắc khao khát và tự nuông chiều.

Là cô gái xinh xắn, năng động nên dù đã có gia đình và con gái hai tuổi, nhưng chị Hà Thương (nhân viên tư vấn kinh doanh) vẫn được nhiều người thích...

 

Ý thức được vẻ đẹp của mình, chị Thương biết cách biến nó thành “thế mạnh” trong công việc. Anh trưởng phòng và chị từ lâu có sự kết hợp công việc rất ăn ý. Chị biết anh ta thích chị. Một lần, không làm chủ được trước sự quyến rũ của anh, chị đã “buông lơi”.

 

Sau đó, chị Thương có thai. Hoang mang, không biết đây là con của chồng mình hay của đồng nghiệp, chị Thương đã tìm đến trung tâm xét nghiệm ADN. Nếu đó là con của chồng, chị sẽ giữ thai lại, còn nếu là con của đồng nghiệp, chắc chắn chị sẽ bỏ ngay.

 

Nhưng cái thai còn quá nhỏ, chưa thể thực hiện được xét nghiệm để có kết quả chính xác, chị phải chờ 12 tuần nữa, mà như vậy thì thai đã quá lớn… Tâm sự với cả hai người đàn ông đang yêu mình, cả hai đều khuyên chị giữ thai. Vừa muốn giữ hạnh phúc gia đình, vừa muốn “kín chuyện”, chị Thương thực sự chưa biết phải xử lý như thế nào…

 

May mắn được sếp yêu quý và tin tưởng, chị Minh Thao dần dần được giao quản lý chung cả công ty. Hơn thế nữa, chị trở thành thư ký riêng cho sếp, và chẳng lâu sau họ yêu nhau, dù cả hai đã có gia đình. Biết vợ có tình ý với sếp, nhưng anh Hoàn, chồng chị vẫn hết sức nhã nhặn, vì nhiều lí do. Thứ nhất, do một số sai lầm của tuổi trẻ, ngay từ đầu anh đã bị vợ “bắt vía”; thứ hai, “người ta” là sếp của vợ, lại nhiều tuổi hơn anh nên ít nhiều anh cũng tôn trọng; thứ ba, anh vốn hiền lành, ngại va chạm, lương anh cũng thấp hơn vợ nên thôi thì… “kệ cô ấy”, nếu không có chuyện gì quá đáng.

 

Chị Thao biết được điểm yếu của chồng nên ngày càng tiến xa hơn với sếp. Ở cơ quan, chị không ngại ngần ôm vai, bá cổ sếp, hôn sếp chùn chụt trong phòng riêng. Là công ty riêng nên các nhân viên khác nhìn thấy cảnh họ quấn quýt bên nhau như vậy cũng “làm ngơ”. Chuyện đến tai vợ sếp, chị ta lồng lộn tìm đến cơ quan chồng để xử lý. Dưới áp lực của gia đình, sếp đành cho chị Thao nghỉ việc. Sau chuyện đó, vợ chồng chị Thao cũng ly thân.

 

Hàng trăm nhân viên nữ của anh Cường luôn coi giám đốc mới ngoài 30 của mình là “hình mẫu lý tưởng”. Họ ra sức quyến rũ sếp. Đa số các chị em đều cố gắng tiếp cận sếp theo một cách nào đó và gần phần ba số ấy đánh tín hiệu sẵn sàng, email, tin nhắn, gọi điện, thiệp… Đôi lúc anh Cường có cảm tưởng như họ chỉ trực xé nát gia đình anh. Để đối phó, anh phải cài vào điện thoại của mình một chương trình lọc cuộc gọi, tin nhắn theo giờ nhạy cảm nhằm hạn chế “thiệt hại”. Nói chung là rất mệt, nhưng dần dần cũng quen. Lâu dần, anh xem thường mọi thứ và sống chung với họ kiểu như sống chung với lũ.

 

Đàn ông rất khó tha thứ

 

Thời đại hội nhập cho phép người phụ nữ tiếp cận dần với phong cách sống hiện đại, giúp họ tự tin, dạn dĩ hơn nhưng cũng có mặt trái của nó. Nếu không tự xây dựng cho mình một nếp kỷ luật riêng, chị em sẽ tự biến mình thành con rối trên một chuỗi díc dắc khao khát và tự nuông chiều.

 

Khi rơi vào những cuộc tình vụng trộm, chị em luôn cho rằng mình như bị mắc lừa. Họ đâu biết rằng bản thân họ cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên. “Gái một con trông mòn con mắt”, nhưng đàn ông chỉ nhìn chỉ liếc thôi. Nếu bạn gái lẳng lơ thì họ sẽ tiếp cận, nếu chín chắn thì tránh.

 

Cho dù thế nào, sự phản bội luôn là bi kịch ướt nước mắt và gần như chẳng bao giờ là cuốn phim tình kết thúc có hậu. Dù xã hội có hiện đại, có tân tiến đến mấy thì người đàn ông cũng rất khó tha thứ cho vợ ngoại tình, cũng như sẽ chẳng có người đàn ông nào có thể chấp nhận con rơi con vãi của vợ từ những cuộc tình chớp nhoáng, vụng trộm.

 

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà, người đàn ông dù ra ngoài có buông lời chòng ghẹo các cô gái, nhưng với họ, người vợ phải đoan trang, chỉn chu và có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Vợ chính là niềm tin, là hy vọng và là bờ bến yên bình để họ nương tựa khi gặp bão tố cuộc đời. Từng là nạn nhân của một lúc yếu lòng của vợ, anh Chiến (làm việc cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội) cho rằng, chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu hết nỗi đau của một người chồng trong hoàn cảnh đó.

 

Làm việc trong một môi trường đầy cám dỗ, xung quanh chỉ toàn đồng nghiệp và đối tác là nữ, không phải lúc nào anh Chiến cũng có thể dửng dưng trước sự “tấn công” của các cô gái “chân dài”. Công việc của anh không tránh khỏi những chuyến công tác dài ngày, những buổi tiệc tùng, chiêu đãi có nhiều tình huống khiến con người có thể sa ngã. Cũng có lúc anh nghĩ tới cô này, cô kia nhưng anh đã vì gia đình, vì đứa con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn mà vượt qua tất cả. Anh luôn tự hào khi sống trong một môi trường như vậy mà không làm gì có lỗi với vợ con.

 

Vì vậy, anh đã vô cùng oán giận vợ khi cô ấy không vượt qua phút yếu lòng và cảm thấy những cố gắng của mình như trở nên vô nghĩa. Anh Chiến đã phải đấu tranh rất nhiều trước “lời tự thú” của vợ. Vì con, anh cố gắng vượt qua sự việc đáng tiếc này, nhưng nỗi đau trong lòng thì rất khó phai.

 

Rõ ràng, chẳng có gì hay ho khi để những cuộc phiêu lưu tình cảm làm tan vỡ gia đình. Trân trọng gia đình mình có lẽ không bao giờ là "lỗi mốt"!

 

Theo Doanh nhân 360