“Phu vải", mùa hốt bạc
Mỗi khi mùa vải thiều chín, người dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh lại đổ về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tham gia vào "đội quân" hái vải thuê cho những chủ vườn lớn. Năm nay, vải thiều được mùa nên nhu cầu thuê người hái vải càng lớn, tạo cơ hội tăng thu nhập cho người lao động.
Khan hiếm lao động
“Xe chở người đến rồi kìa”, bà chủ quán nước reo lên khi nhìn thấy chiếc ô tô 12 chỗ ngồi mang biển kiểm soát tỉnh Lạng Sơn đỗ xịch bên đường. Mấy người đang đứng ngồi gần đó vội chạy theo chiếc xe phủ đầy bụi đất. Khi xe dừng hẳn, 8 người cả nam lẫn nữ trạc tuổi từ 25 đến 40 vai khoác túi vải bước xuống, ngơ ngác nhìn quanh…
- Anh chị đã có chỗ nào nhận thuê làm chưa?- Một người đàn ông hỏi với vào đám đông.
- Chúng tôi có người nhận rồi - Mấy người cùng đáp.
Đó là cảnh tượng vừa diễn ra vào sáng một ngày giữa tháng Sáu tại khu vực vườn hoa trung tâm thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Mỗi khi vào mùa thu hoạch vải thiều, nơi đây lại hình thành “chợ lao động”. Người lao động đến khắp nơi, song tập trung nhiều ở địa bàn huyện Sơn Động và tỉnh Lạng Sơn đổ về đây hái vải thuê.
Do đặc điểm vải chính vụ tập trung trong thời gian ngắn, khoảng hơn một tháng, nhiều chủ vườn lại neo người làm nên bắt buộc phải thuê mướn thêm nhân công. Năm nay, vải thiều được mùa, nhu cầu cần người hái quả lại càng tăng cao. “Có lẽ, nhiều thanh niên ở các vùng quê đi làm công nhân hết rồi nên số người đi bẻ vải thuê trong vụ vải thiều năm nay ít hơn nhiều so với năm trước”, anh Tuân ở thôn Chay, xã Phì Điền tâm sự.
Theo anh Tuân, do ít người đi làm thuê nên nhiều khi họ cũng làm kiêu. Có trường hợp đi 7-8 người, gia đình chỉ cần 3-4 người là đủ nhưng họ nhất quyết yêu cầu được thuê cả đoàn, nếu không sang nhà khác làm. Anh Tuân ra chợ lao động này tìm người bẻ vải thuê đã hai ngày nay, song đến nay vẫn chưa kiếm được ai.
- Này cháu, đã xin nghỉ làm từ sáng mà giờ vẫn chưa bắt xe về quê?- Ông Tùng đang ngồi chờ ở chợ lao động đột nhiên bật dậy hỏi cậu thanh niên khoác ba lô đi bộ dưới lòng đường.
- Cháu đang chờ xe người quen, chú ạ- Cậu thanh niên ngoảnh lại nói.
Gia đình ông Tùng ở thôn Bãi Bằng, xã Kiên Thành hiện có vườn vải lớn, ước sản lượng năm nay khoảng 30 tấn quả. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông mới thu được 5 tấn quả. “Cậu thanh niên vừa rồi đang bẻ vải thuê cho nhà tôi. Hôm nay, cậu ấy nhận được điện báo bà nội ốm nặng, về nhà ngay. Vì thế, tôi phải bổ sung người làm thuê, nếu không sẽ không kịp thu hoạch vải. Tôi đã cho cháu tiền tàu xe để khi xong việc, cháu quay lại sớm giúp gia đình”, ông Tùng chia sẻ.
Thời điểm này, người đi bẻ vải thuê ở Lục Ngạn ít nên giá nhân công cũng tăng cao. Nếu như năm trước, mức thuê mỗi nhân công từ 130 - 150 nghìn đồng/ngày thì năm nay từ 200-250 nghìn đồng/ngày. Vậy là nếu làm đủ công hằng ngày, mỗi lao động cũng kiếm được 6- 7,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ăn nghỉ.
Trong khi đó, công việc chỉ tập trung vào sáng sớm và chiều tối. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với người lao động phổ thông.
Nhanh tay, nhanh mắt
Bốn giờ sáng, vườn vải của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Kép 1, xã Hồng Giang sáng bừng lên. Những bóng điện được giăng mắc khắp vườn. Tiếng người gọi nhau í ới hòa cùng tiếng kêu lách cách của kéo cắt cành khiến cả khu đồi râm ran.
Chợ lao động ở khu vực bờ hồ gần vườn hoa trung tâm thị trấn Chũ (Lục Ngạn).
“Hái vải phải nhanh tay, nhanh mắt mới kịp đóng những chuyến hàng sớm, được giá hơn”, em Vi Văn Lương, người chuyên hái vải thuê cho gia đình anh Liên nói như đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm qua những mùa vải chín. Lương sinh năm 1990, quê ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cùng mấy người bạn về Lục Ngạn bẻ vải thuê được gần một tuần nay.
Đây là năm thứ ba, Lương hòa vào “đội quân” đi bẻ vải thuê. Theo Lương, để chủ nhà trả lương cao, trước hết người bẻ vải phải có tính chịu khó, nhanh nhẹn, biết việc, không làm ẩu. Khi bó vải cũng phải khéo léo, tạo thành những túm vải tròn, đều, bắt mắt… Trung bình, mỗi người sẽ bẻ được khoảng 1 tạ quả/ngày, tùy yêu cầu chủ vườn. Công việc thường thu hoạch vải vào sáng sớm, cuối giờ chiều thì đốn tỉa cành cho những cây đã thu hái xong.
Không như nhiều gia đình khác, hộ ông Giáp Văn Tiến, thôn Kép 1, xã Hồng Giang lại huy động anh em trong nhóm tổ đội sản xuất cây ăn quả đến làm giúp theo hình thức luân phiên. Từ sớm, nhiều thành viên chuyên trồng cam, bưởi đã có mặt trong vườn vải của gia đình ông để giúp thu hoạch quả chín.
"Để tăng thu nhập cho người trồng vải trong điều kiện thực tế hiện nay, việc huy động anh em, các thành viên trong nhóm làm đổi công cho nhau là cách làm hay", ông Tiến tâm đắc nói. Hiện gia đình ông Tiến có 80 cây vải thiều đang cho thu hoạch. Vụ vải năm nay, gia đình ông ước thu được 4 - 5 tấn quả.
Đây là vườn được sản xuất theo quy trình VietGAP nên việc thu hoạch quả đòi hỏi cẩn thận hơn, nhất là rất cần những người am tường về quy trình sản xuất theo phương thức an toàn thực phẩm.
So với những năm trước, năm nay việc thu hoạch vải thiều thuận lợi hơn bởi cây vải đã được người làm vườn đốn cành, tạo tán hợp lý. Khi thu hái quả, người dân không phải trèo cao mà chỉ cần đứng dưới đất hoặc kê thêm chiếc ghế là hái được. Việc bẻ cành cũng thực hiện bằng kéo chuyên dụng, thay vì bẻ bằng tay như trước nên năng suất tăng cao.
Đặc biệt, qua kinh nghiệm thực tế, người dân đã biết điều tiết số lượng thu hoạch quả theo từng ngày, tránh dồn dập, khó tiêu thụ.
Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về huyện thu mua, tiêu thụ vải thiều, trong đó có những lao động ở địa phương khác đến thu hoạch vải thuê cho các chủ vườn.
Theo nhận định của nhiều người, hiện nay mới bắt đầu vào vụ chính thu hoạch vải thiều, vì thế trong một vài ngày tới, lượng người ở các địa phương khác về huyện Lục Ngạn thu hái vải thiều thuê sẽ tăng cao, nhất là khi học sinh, sinh viên ở các trường được nghỉ hè. Đây đang là thị trường việc làm tốt để người lao động phổ thông có cơ hội kiếm thêm thu nhập thông qua mùa vải chín.
Theo Báo Bắc Giang