Phóng sự ảnh: Một ngày đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở Hà Nội
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều người lao động có nhu cầu đăng tục bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tục một cửa của Trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn việc và học nghề.
Một số hình ảnh được PV Dân trí ghi lại trong buổi làm việc của bộ phận làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm.
Bàn hướng dẫn người lao động các giấy tờ cần có để đăng ký BHTN
Dù có bàn hướng dẫn, nhân viên tư vấn vẫn luôn nhiệt tình trợ giúp người lao động.
Tại nơi đăng ký, người lao động bấm số tự động để chờ tới lượt nộp hồ sơ BHTN.
Các thủ tục đăng ký nhanh chóng.
Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng được TT DVVL thực hiện lồng ghép trong buổi tuyển dụng việc làm.
Ngoài bố trí việc làm, TT DVVL Hà Nội còn tổ chức dạy nghề cho người lao động nhận TCTN
Hoàng Mạnh (thực hiện)
TIN VẮN:
“Nền” đóng BHXH thấp, người lao động thiệt thòi
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại cuộc làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) hôm 8/6. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng, doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp. Cụ thể, bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu đồng. Cho rằng việc này không vi phạm pháp luật, nhưng 30 năm sau, khi về hưu người lao động thiệt vì doanh nghiệp chỉ đóng trên nền lương thấp. Do đó, người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của mức lương này thì mức sống thấp, trở thành gánh nặng cho xã hội. Đại diện Tổng LĐLĐ VN đề nghị, BHXH VN cần liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn thu của BHXH. Về thực trạng nợ BHXH, trong số 7.500 tỉ đồng nợ vào cuối năm 2015, có 2.200 tỉ đồng nợ khó đòi và 220 tỉ không thể đòi được vì có hơn 100 doanh nghiệp giải thể, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.000 lao động.
H.Đ
Phát triển nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, về việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành trước ngày 30/6 tới. Trong thời gian chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời căn cứ quy định tại Điều 1, Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 làm căn cứ lập danh sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các địa bàn này từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT nói chung, phát triển BHYT theo hộ gia đình nói riêng.
P.A
Gửi thông báo tới 2.000 doanh nghiệp nợ BHXH
BHXH TP HCM cho biết, đến hết tháng 5/2016, tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TP là gần 5,9 triệu, chiếm 75,24% dân số.
Để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, BHXH TP HCM đã thông báo đến 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH từ 6 tháng và có số nợ 50 triệu đồng trở lên. Từ tháng 2 đến tháng 5/2016, số người tham gia BHYT hộ gia đình đã tăng 224.000 người. Việc tăng tỉ lệ dân số tham gia BHYT phần lớn là do áp lực tăng viện phí và điều kiện khám chữa bệnh BHYT thuận tiện hơn do thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo BHXH TP HCM, một trong những khó khăn hiện nay của BHXH TP là nợ BHXH, BHYT tăng cao so với năm 2015. Số nợ hiện tại là 2.995 tỉ đồng (chiếm 7,53% tổng số thu). Nguyên nhân nợ tăng là các tòa án không thụ lý hồ sơ khởi kiện từ đầu năm 2016 đến nay, dẫn đến khó thu hồi nợ. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng chưa triển khai được thanh tra chuyên ngành về thu BHXH, BHYT.
L.K