Phó Thủ tướng: "Nghiên cứu việc học sinh THCS học thẳng lên cao đẳng"
(Dân trí) - "Tới đây, chúng ta nghiên cứu xem có nên áp dụng "đầu vào" hệ cao đẳng là học sinh hết lớp 9 giống nhiều nước khác hay không?" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động của ngành LĐ-TB&XH. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/1 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ biểu dương các kết quả toàn diện của ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2018. Theo đó, những kết quả này đã đóng góp trực tiếp cũng như gián tiếp và giúp Chính phủ hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu trong năm 2018.
Nghiên cứu hình thức mới chuyển đổi lên cao đẳng
Đánh giá về những chuyển biến rõ rệt trong ngành LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng đơn cử trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
"Nếu nhìn lại giai đoạn năm 2013-2016, giáo dục nghề nghiệp rất khó tuyển sinh. Cả khối chỉ tuyển được 50 - 60 % chỉ tiêu. Nhưng từ năm 2017, sau nhiều hội nghị về giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM và các tỉnh thành, chỉ tiêu tuyển sinh đều đạt 100 %. Năm 2017 và năm 2018 đều vượt từ 1-5 %" - Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý các vấn đề cần tập trung trong năm 2019, như: Đào tạo lao động, xuất khẩu lao động có tay nghề, kết nối thị trường lao động, thu hút đối tượng tham gia BHXH…
Nêu ra thực trạng về tỷ lệ cơ cấu đào tạo lao động trình độ đại học/cao đẳng/trung cấp/cơ cấp của Việt Nam còn ngược với xu thế chung của thế giới, Phó Thủ tướng phân tích thêm: "Tuy nhiên nếu nói đào tạo quá nhiều người trình độ đại học có lẽ cũng chưa đúng. Bởi nếu so với tỉ lệ những người học đại học trên 100 người dân của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước khác".
Điều này cho thấy, số người có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp có bằng cấp còn thấp và việc phải đưa con số này tăng lên gấp đôi hoặc lớn hơn trong thời gian ngắn được Phó Thủ tướng lưu ý.
Cũng theo Phó Thủ tướng, công tác đào bậc đại học hiện có thể rút ngắn từ 3,5 - 3 năm, hệ cao đẳng chỉ từ 2,5-3 năm. Đây là những điểm mới trong giáo dục đại học những năm gần đây.
"Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thay vì quy định "đầu vào" của người học hệ cao đẳng phải có trình độ tốt nghiệp THPT, chúng ta có nên áp dụng giống nhiều nước trong việc tuyển cao đẳng với "đầu vào" là hết giai đoạn cơ bản, như ở Việt Nam là hết lớp 9 hay không? Và nếu như vậy thì có thể chuyển luồng được không?" - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng cho biết đây, là thời cơ để ngành LĐ-TB&XH nghiên cứu và xây dựng đề xuất nếu thấy phù hợp. Bởi trong năm 2019, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Về vấn đề tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phó Thủ tướng cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về việc tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, việc nghiên cứu đề xuất mới về hình thức đào tạo cao đẳng và tự chủ đều là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và những năm tới đây nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực quốc gia.
Chú trọng XKLĐ có tay nghề
Phó Thủ tướng đánh giá, công tác xuất khẩu lao động năm 2018 đạt kỷ lục so với các năm trước đây. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý về chất lượng lao động cũng đã tốt lên.
Điều này thể hiện ở việc tiếp nhận số lượng lao động ở những thị trường lao động khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
"Những nghề không có thu nhập cao, vất vả và không mang nhiều tính kỹ thuật thì cần giảm bớt" - Phó Thủ tướng lưu ý. Bên cạnh đó, điều quan trọng là chuẩn bị cho lực lượng lao động tốt để vào được các thị trường lao động có yêu cầu cao để có thu nhâp tốt hơn.
Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu của Quốc hội, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn 5,35%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người, trong đó trên 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Phó Thủ tướng đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường kết nối những lao động đã đi XKLĐ về nước với việc thu hút đầu tư, bố trí lao động; cân đối giữa lao động đi XKLĐvà bố trí việc làm trong nước.
"Năm 2019, Bộ cần lựa chọn một vài mô hình điểm để thực hiện và hướng tới cho giai đoạn tới đây" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Về vấn đề tạo việc làm, Phó Thủ tướng lưu ý việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào Cổng thông tin điện tử việc làm do Bộ LĐ-TB&XH điều hành mới có hơn 40.000 doanh nghiệp tham gia.
"Trong khi đó, cả nước có tới hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Vậy số doanh nghiệp tham gia còn chưa bằng 1/10. Đặc biệt, số lượng người đăng nhập mới còn 17.000 người. Chúng ta cần quan tâm tới công tác gắn kết thị trường lao động vì vấn đề lao động - nguồn nhân lực là một trong những yếu tố để thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Bàn về năng suất lao động, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam có tới 39 % dân ở nông thôn, phần lớn là nông nhà và thiếu đất nông nghiệp. Phó Thủ tướng nói: "Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nhân lực tốt hơn thì việc đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước mới tăng, phát triển nhiều nhà máy, xí nghiệp. Việc chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công ngiệp sẽ làm tăng năng suất lao động".
Về chính sách, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu về mộ liệt sĩ, liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ trong thời gian qua. Bởi đây còn là việc thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người có công, gia đình liệt sĩ tốt hơn.
Trong năm 2019, Phó Thủ tướng lưu ý việc xây dựng chính sách hơn nữa, đặc biệt là các chính sách bảo trợ cho người già cô đơn, người khuyết tật. Bộ và các cơ quan địa phương cần xem lại cách kêu gọi xã hội hoá, hỗ trợ trung tâm này đã hợp lý chưa?
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH không để những đối tượng chính sách, người có công không có Tết. Đặc biệt, năm 2019 phải tốt hơn năm 2018 và chọn những điểm bứt phá.
Nghiên cứu phương thức gia tăng đối tượng tham gia BHXH
Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH cần tham khảo các làm trong việc phát triển đối tượng BHYT. Các địa phương được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT như một nhiệm vụ trong kế hoạch hằng năm. Qua đó đã giúp tỷ lệ tham gia BHYT ở Việt Nam vượt hơn 80% dân số. Từ câu chuyện này, ngành LĐ-TB&XH cũng nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong việc phát triển BHXH. Bên cạnh đó, việc truyền thông cũng cần tăng cường và làm thay đổi tư duy cũ của người dân.
Hoàng Mạnh