Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Phát triển giáo dục nghề nghiệp cần sự đồng hành của doanh nghiệp”

(Dân trí) - “Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, việc tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp chính là nhân tố quyết định để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu ở Diễn đàn quốc gia về “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” sáng 16/11 tại Hà Nội.

“Phát triển giáo dục nghề nghiệp cần sự đồng hành của doanh nghiệp” - 1

Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức có chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

Cần nhiều sự đồng hành

Đánh giá yếu tố quan trọng và thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng đó là sự quan tâm, chủ trương và công tác chuẩn bị việc đào tạo nghề, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề của Đảng và Chính phủ.

Đó chính là những động lực chính tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn quốc gia với các chủ đề khác nhau để bàn các giải pháp đưa Việt Nam phát triển bền vững.

Ngay tại nhiều chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định nguồn lực lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Thách thức lớn nhất Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng tay nghề cao.

“Phát triển giáo dục nghề nghiệp cần sự đồng hành của doanh nghiệp” - 2

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH “đẩy mạnh kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo” và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư “nghiên cứu, xây dựng Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao và chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại cho các trường; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Dẫn chứng thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp, 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Úc, 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được đào tạo để cấp 2 bằng, để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

“Phát triển giáo dục nghề nghiệp cần sự đồng hành của doanh nghiệp” - 3

Chia sẻ thực tế ghi nhận từ những chuyến đi tìm hiểu tại Châu Âu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Với kinh nghiệm đào tạo của CHLB Đức, sinh viên học nghề có 70% thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết và người học phải được thực hành nhiều để khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc. Đây mô hình đào tạo nghề kép, luôn luôn tồn tại 2 trường ».

Đó là học lý thuyết tại trường nghề, trường học thứ hai, quan trọng hơn đó chính là tại doanh nghiệp. Đây là yếu tố trọng tâm, xuyên xuốt trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động, là một tư duy thay đổi rất lớn, nhiều quốc gia phải mất vài chục năm theo đuổi để đạt mục tiêu này.

Đào tạo gắn với tạo việc làm

Đánh giá cao vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong sự phát triển kinh tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Diễn đàn "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" thể hiện tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động.

“Phát triển giáo dục nghề nghiệp cần sự đồng hành của doanh nghiệp” - 4

Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

“Thông điệp của Diễn đàn này là: Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người. Doanh nghiệp cần đồng hành cùng nhà trường nhằm tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Dẫn chứng về những nghiên cứu mới được công bố, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ khi robot thay thế con người”.

Điều này đòi hỏi nền kinh tế xã hội cần phải thay đổi, nhất là những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giầy, cơ khí điện tử…

Chính vì vậy, Diễn đàn là cơ hội nhằm tập hợp ý kiến, thảo luận và việc tìm ra những giải pháp tháo gỡ về các vấn đề lớn của giáo dục nghề nghiệp giữa các đại diện cho các cơ quan nhà nước, các chuyên gia của các nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

“Chúng tôi kỳ vọng các đại biểu sẽ đánh giá khách quan thực trạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm hay, đưa ra các dự báo về kỹ năng, xu hướng tuyển dụng và việc làm. Đồng thời, Diễn đàn sẽ tiếp nhận các khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cho Chính phủ và các Bộ, cũng như tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hoàng Mạnh