1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

An toàn lao động:

Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết quả chiến dịch thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may trên toàn quốc, qua đó phát hiện hơn 1.700 sai phạm về lĩnh vực việc làm, an toàn vệ sinh lao động…


Lễ công bố kết quả thanh tra Chiến dịch dệt may.

Lễ công bố kết quả thanh tra Chiến dịch dệt may.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trao đổi với PV Dân trí về những tồn tại phát hiện qua Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực dệt may được thực hiện từ tháng 5-9/2015.

Thưa ông, trong các lĩnh vực xây dựng, thủy sản, dệt may, giao thông, vậy lý do gì khiến thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chọn dệt may để triển khai thanh tra thí điểm trong thời điểm này?

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của VN, chiếm 13,6 % doanh thu xuất khẩu và 10,5 GDP cả nước. Cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may, thu hút 2,5 triệu lao động (chiếm 25 % lao động trong khu vực kinh tế công nghiệp).

Trong khi đó, lao động trong ngành dệt may chủ yếu là lao động phổ thông trình độ không cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng chấp hành ý thức kỷ luật lao động chưa tốt.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá nhanh 14,5 %, ngành dệt may luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các sai phạm về lao động. VN vừa tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này càng đòi hỏi ngành dệt may tuân thủ thêm những ràng buộc của luật pháp trong nước và quốc tế.

Đó cũng là lý do khiến chúng tôi quyết định chọn thí điểm thanh tra trong lĩnh vực này.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng LĐLĐ VN, VCCI thực hiện thí điểm tại hơn 150 doanh nghiệp dệt may tại 12 tỉnh, thành phố lớn. Công tác thanh tra tập trung vào thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, huấn luyện ATVSLĐ…

Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng - 2

Sau 4 tháng triển khai chiến dịch, kết quả thanh tra đã cho thấy điều gì? Những sai phạm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nào, thưa ông?

Qua công tác thanh tra chúng tôi đã phát hiện doanh nghiệp vi phạm ở nhiều điểm: Dụng cụ cá nhân, đường thoát hiểm, rủi ro về điện, đo và kiểm tra khắc phục yếu tố nguy hiểm, lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động…

Cụ thể: 60 doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá số giờ theo quy định; 36 doanh nghiệp chưa trả lương những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày; 40 doanh nghiệp chưa xây dựng định mức lao động, hệ thống thang lương, bảng lương và không gửi tới cơ quan quản lý lao động cấp quận huyện…

Kết quả thanh tra phát hiện 112 doanh nghiệp (gần 80%) chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và thực hiện chưa đầy đủ quy định phòng chống cháy nổ.

Đặc biệt, gần 70% chủ sử dụng lao không tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ, 87 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động mới vào làm việc hoặc huấn luyện không đầy đủ…

Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng - 3

“69 doanh nghiệp trang bị không đầy đủ về số lượng trang thiết bị bảo vệ cho người lao động; 20 doanh nghiệp thiết kế đường đi nội bộ không đạt chuẩn; 28 doanh nghiệp không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm và chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; 37 doanh nghiệp không tổ chức đo lường, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm; 64 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; 90 doanh nghiệp không tham gia huấn luyện an toàn lao động…” - Kết quả thanh tra.

Ông từng nói, thanh tra không đơn thuần là công việc xử phạt mà thanh tra còn đưa ra kiến nghị giúp doanh nghiệp làm tốt hơn. Vậy, ông nhìn nhận sự lan tỏa của quan điểm trên trong cuộc thanh tra này ra sao?

Mục đích của đoàn thanh tra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tốt các quy định về lao động việc làm, chăm lo đời sống người lao động, qua đó tăng năng suất lao động.

Trước khi tổ chức chiến dịch thanh tra, chúng tôi đã triển khai truyền thông tuyên truyền pháp luật cho người lao động. Chỉ riêng việc này đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt.

Khi kiểm  tra thực hiện tại các DN, mức độ vi phạm chỉ còn dưới 10% số người không sử dụng bảo hộ lao động cá nhân. Trước đó, chúng tôi khảo sát nội dung trên ở doanh nghiệp cho thấy mức độ vi phạm vào khoảng 80 %.

Một ví dụ khác ở Hà Nam, đoàn thanh tra kiểm tra 77 doanh nghiệp và đưa ra 80 kiến nghị. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã thực hiện tới 80% đúng hạn. Còn một số ít kiến nghị chưa đến thời hạn thực hiện do doanh nghiệp chuẩn bị thêm các điều kiện cơ sở vật chất, máy móc…

Không đơn thuần là những việc trước mắt, doanh nghiệp còn được hưởng lợi sâu xa hơn từ công tác thanh tra. Doanh nghiệp có được xác nhận tuân thủ pháp luật.

Điều này có có nghĩa là sản phẩm làm ra không có yếu tố làm thêm giờ, không vi phạm các quyền của người lao động, đảm bảo tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động…Đây là những “chứng chỉ” quan trọng khi tham gia vào thị trường xuất khẩu hàng dệt may - lĩnh vực được hưởng lợi nhiều khi VN tham gia TPP.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)

 

TIN LIÊN QUAN:

100 % người xác định bị bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020. Dự thảo được xây dựng với 7 mục tiêu cụ thể.

Theo đó, Dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động đặc mục tiêu hỗ trợ trên 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện, bệnh nghề nghiệp; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động.

Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng - 4

Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp quận huyện, phường, xã, và trong các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn - vệ sinh lao động; trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

V.T

Công bố kết quả thanh tra ATVSLĐ tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại 19 nhà thầu đang thi công tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều sai phạm đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Cụ thể, công tác kiểm tra đã phát hiện 149 sai phạm liên quan tới lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động. Các sai phạm chủ yếu là: Báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động; tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; số ngày nghỉ; xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động; phân loại người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...Theo đoàn thanh tra, nguyên nhân của các khuyết điểm tại các doanh nghiệp chủ yếu do người sử dụng lao động thiếu kiến thức về pháp luật lao động, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng.

H.M

Trên 55 % vụ tai nạn lao động do người sử dụng lao động

Báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động, khiến gần 3.500 người bị nạn, 277 người chết, 680 người người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất là 38,85 tỉ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động lên đến 43.953 ngày.

Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng - 5

Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng phải kể đến, như: Vụ tai nạn do sập giàn giáo ngày 25/3 khiến 13 người chết, 29 người bị thương tại công trường của Công ty Sam Sung tại dự án Formusa khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); vụ tai nạn do tụt đổ lò ngày 20/5 làm 2 người chết tại xí nghiệp khai thác và kinh doanh than Đông Triều, Tp Uông Bí (Quảng Ninh). Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây dựng chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 8,7% tổng số vụ tai nạn; cơ khí chế tạo chiếm 8,7 % tổng số vụ; sản xuất kinh doanh điện chiếm 7,6% tổng số vụ tai nạn…

V.T

Tập huấn an toàn - vệ sinh lao động cho CBCNVC của Công ty thủy điện Tuyên Quang

Ngày 24/8, tại Tuyên Quang, Phòng lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Tuyên Quang) tổ chức lớp tập huấn huấn cho CBCNV Công ty thủy điện Tuyên Quang những kiến thức về Công tác an toàn – vệ sinh lao động

Lớp tập huấn được tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm giúp cho người lao động hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động, biết cách phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo tính mạng, sức khỏe và tài sản của công ty. Năm nay, Lớp tập huấn thu hút 70 CBCNV thuộc 3 phân xưởng của Cty.  Các học viên được chuyên gia ATVSLĐ truyền đạt các kiến thức về công tác an toàn  vệ sinh lao động cho CBCNV. Đặc biệt là kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ trong Nhà máy Thủy điện. Các nội dung cụ thể như: Công tác an toàn - vệ sinh lao động: Các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa; các  rủi ro, sự cố, tai nạn trong quá trình sản xuất; các bệnh bị nhiễm trong quá trình làm việc; giới thiệu Luật an toàn vệ sinh lao động mới sẽ được thực hiện vào ngày 1/7/2016…

N.L