Ông sếp khó chịu
Thế nào là ông sếp khó chịu? Có lẽ nhiều người cho rằng ông sếp nào mà chẳng khó chịu. Cũng không hẳn vậy, sếp chỉ bị xem là khó chịu khi…
- Tạo ra nhiều những cấp bậc khác nhau để phân biệt những người “dễ bảo” và những người không làm theo những việc mà lãnh đạo giao.
- Đánh giá quá cao hoặc thưởng cho những cá nhân xuất sắc, tuy nhiên lại luôn mồm than thở rằng họ không thể phối hợp như một nhóm được.
- Thêm nhiều người kiểm tra sổ sách và chứng từ vì lo nhân viên của mình không chân thật.
- Không thành công trong việc đặt ra những tiêu chuẩn và những mong muốn của mình một cách rõ ràng, vì thế nhân viên không biết họ phải làm gì và không biết vì sao việc họ làm vẫn không vừa ý sếp.
- Bác bỏ ý kiến của nhân viên rồi lại hỏi sao không ai đưa ra được gợi ý nào.
- Có hỏi ý kiến nhân viên thì cũng chẳng bao giờ làm theo ý kiến đó.
- Việc gì cũng quyết định, nhưng sau đó lại làm bộ hỏi nhân viên cảm thấy thế nào.
- Tìm ra một vài nhân viên vô kỷ luật và la rầy, sau đó lại mắng mỏ tất cả mọi người trong cuộc họp, thay vì nói chuyện trực tiếp với chính kẻ có tội. Điều này làm mọi người băn khoăn “ai” là kẻ xấu mà sếp đang nói.
- Tự tạo ra một vài quy định rồi bắt mọi người phải theo.
- Đối xử với nhân viên như thể họ là những người không đáng tin cậy như: theo dõi, giám sát, liên tục mắng mỏ họ vì những lỗi không đáng bị khiển trách.
- Buông lỏng quản lý và không quan tâm đến những nhu cầu cá nhân của từng nhân viên.
- Không có những chính sách rõ ràng và cụ thể, và dễ khiến cho các nhân viên cảm thấy bạn đối xử thiên vị, không công bằng.
- Trầm trọng hóa mọi vấn đề tới mức nhân viên thừa biết rằng những trường hợp khẩn cấp mà sếp nêu ra chẳng hề quan trọng như thế. Điều này sẽ làm họ không biết nên làm gì hoặc ít nhất cũng làm cho họ dửng dưng với những việc thực sự quan trọng.
- Yêu cầu nhân viên thay đổi cách làm nhưng lại không cho họ biết cụ thể sẽ phải cố gắng thay đổi như thế nào. Nhanh chóng coi họ như một “kẻ chống lệnh” dù rằng họ thậm chí chưa kịp phản ứng gì cả.
- Hy vọng những nhân viên được học hành đàng hoàng sẽ làm việc hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Lẽ ra họ phải nhận ra rằng sai lầm không chừa một ai cả.
- Biết một nhân viên làm sai nhưng vẫn cố tình cho qua và nghĩ rằng lần sau sẽ giao cho anh ta việc khác. Lẽ ra cần phải chấn chỉnh ngay chứ không thể để ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Đó chính là những sai lầm ngớ ngẩn của lãnh đạo mà có thể nó sẽ khiến nhân viên dù “bằng mặt” nhưng sẽ không bao giờ “bằng lòng”.
Theo Lanhdao.net