Hải Phòng:

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc

Trí Thành

(Dân trí) - Sáng tạo lối viết thư pháp độc đáo, lạ mắt, họa chữ thành đủ hình người, đồ vật, muông thú, ông đồ ở TP Hải Phòng làm không hết việc vì quá nhiều người xin chữ về treo dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 1

Là nhà thư pháp nổi tiếng ở TP Hải Phòng, ông Lê Thiên Lý khá bận rộn với công việc cho chữ trong những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngồi bên bàn trà là một ông lão râu tóc bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, nắn nót từng nét thư pháp.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 2

Trong bức thư pháp, ông Lý viết từ Nhâm Dần thành hình linh vật hổ. Đây là thư pháp thể "vật điểu thư", tức là viết chữ thành hình đồ vật, loài vật, chim muông, một trong 2 lối thư pháp mà ông sáng tạo ra, khác biệt với 5 thể thư pháp truyền thống là: Triện, lệ, khải, thảo, hành. Theo ông Lý, hổ là con vật dũng mãnh, uy lực, linh hoạt trong 12 con giáp, là biểu trưng của sự bứt phá mạnh mẽ. Vì vậy, những bức thư pháp họa thành hình hổ mang thông điệp về một năm phát triển, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 3

Thể thư pháp còn lại mà ông đồ đất Cảng này sáng tạo ra là "nhân diện thư", tức là viết chữ thành hình người, khuôn mặt. Trong ảnh là 4 bức thư pháp mà ông Lý viết từ "Nhâm Dần" thành hình đại diện cho lực lượng y tế, an ninh - quốc phòng, công nhân và nông dân, khá đẹp mắt. "Tôi muốn tôn vinh các lực lượng "trí - nông - công - binh". Trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, các lực lượng này đã rất vất vả chống dịch, bảo vệ và phát triển kinh tế đất nước ta, giúp nhân dân ổn định đời sống. Tôi tin rằng trong năm mới Nhâm Dần 2022, họ sẽ tiếp tục tiên phong trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 và xây dựng đất nước hùng cường", ông Lý chia sẻ.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 4

Đôi tay đưa bút lông uyển chuyển, trang giấy trắng hiện ra đủ các hình người, muông thú. Nếu nhìn kỹ trong hình sẽ thấy dòng chữ Nhâm Dần. Ông Lý cho biết, càng làm càng thấy say mê bởi 2 thể thư pháp "nhân diện thư" và "vật điểu thư" giúp đầu óc rèn luyện trí tưởng tượng, sự sáng tạo vô tận.

Độc đáo thư pháp viết chữ thành hình người, con vật của ông đồ đất Cảng.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 5

Chỉ với từ "Nhâm Dần", nhà thư pháp tài hoa này biến hóa nét chữ thành đủ hình tướng khác nhau theo nhiều chủ đề. Trong ảnh là hình mô phỏng các vận động viên bóng chuyền nữ Việt Nam. Ông muốn nhắn gửi lời chúc tới đoàn thể thao Việt Nam sẽ chiến thắng trong kỳ SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam trong năm 2022.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 6

Từ "Nhâm Dần" được ông Lý họa thành hình cá, hình chim. Ông đồ đất Cảng cho biết, trong một lần viết thư pháp Hán cách đây khoảng 20 năm, khi viết từ "điểu" thấy giống hình con chim nên ông nảy ra ý tưởng sáng tạo 2 thể thư pháp "nhân diện thư" và "vật điều thư". Lúc đầu thử nghiệm chưa được đẹp lắm nhưng kiên trì rèn luyện và nghiên cứu, các bức thư pháp dần trở nên đẹp hơn. Trước đây, ông Lý chỉ viết thư pháp Hán tự nhưng sau đó viết cả thư pháp Việt cho phổ thông, gần gũi với người Việt hơn.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 7

Trong ảnh là những bức thư pháp viết từ "Nhâm Dần" thành hình các loại phương tiện giao thông, trông khá sáng tạo.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 8

Với thể "vật điểu thư", ông Lý biến hóa từ "Nhâm Dần" thành chiếc máy bay và con chim, truyền tải thông điệp cất cánh bay cao, bay xa trong năm mới.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 9

Một bức thư pháp khá độc đáo, lạ mắt khi thể hiện từ "Nhâm Dần" thành hình bình rượu.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 10

Ông kể, thời gian đầu viết 2 thể thư pháp mới này bị khá nhiều người phản đối vì "lệch chuẩn" nghệ thuật thư pháp truyền thống nhưng ông cho rằng nghệ thuật sáng tạo không giới hạn và mang hơi thở cuộc sống. Dần dần, những bức thư pháp của ông viết theo 2 thể này được nhiều người đón nhận, đặc biệt là các bạn trẻ. "Bác Hồ đã từng nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Thư pháp là một loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng cũng cần sáng tạo cho phù hợp để có thể tồn tại, bắt nhịp được với đời sống hiện đại", ông Lý nói.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 11

Ông Lý viết bức thư pháp từ "Phật" theo thể "nhân diện thư" thành hình khuôn mặt Đức Phật.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 12

Phòng khách căn nhà trong con ngõ nhỏ thông ra hồ Tam Bạc là nơi làm việc của nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Căn phòng tràn ngập sắc màu Tết cổ truyền với những bức thư pháp, câu đối. Ông Lý giỏi cả thư pháp Việt lẫn thư pháp Hán. Ông cho biết, có niềm đam mê đặc biệt với thư pháp và đã dành gần nửa cuộc đời cho loại hình nghệ thuật này. Khoảng từ cuối tháng 11 Âm lịch đến giáp Tết, ông khá bận vì có nhiều người xin chữ về treo Tết và làm quà tặng. "Không chỉ người Hải Phòng mà người dân ở nhiều nơi như Huế, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội cũng liên hệ xin chữ. Tôi mới gửi 500 bức thư pháp cho người đặt hàng ở Huế, Vĩnh Phúc và Hà Nội", ông đồ đất Cảng nói.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 13

Những câu đối do ông sáng tác, trình bày để tham dự cuộc thi thư pháp, câu đối chào Xuân Nhâm Dần 2022.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 14

Một vị khách đến xin chữ của nhà thư pháp Lê Thiên Lý về treo Tết.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 15

Tác phẩm thư pháp theo thể "nhân diện thư" của ông về chủ đề "trí - nông - công - binh" trưng bày tại triển lãm tranh mừng Xuân Nhâm Dần 2022 tại Trung tâm Văn hóa TP Hải Phòng. Ông Lý cho biết, những bức thư pháp của ông từng được gửi theo các đoàn công tác để tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa, vùng biên giới dịp Tết các năm trước. Được biết, nhà thư pháp Lê Thiên Lý từng được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận kỷ lục Việt Nam khi viết 1.000 chữ Long theo nhiều kiểu viết trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.

Ông đồ viết thư pháp độc lạ, thành hình hổ, hình rồng, làm không hết việc - 16

Một em nhỏ được bố mẹ gửi đến nhà ông Lý học viết thư pháp. Viết thư pháp không chỉ rèn luyện sự khéo léo, sáng tạo và tỉ mỉ mà còn là cách học hỏi những giá trị đạo đức mà người xưa gửi gắm và lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Dù tuổi đã cao nhưng ông Lý vẫn duy trì việc dạy lớp học chữ Hán - Nôm và nghệ thuật thư pháp miễn phí cho mọi người, đến nay đã tới khóa thứ 17.