Nữ phiên dịch nhận tin khách nhắn đặt một phòng khách sạn, giường đôi
(Dân trí) - Được làm công việc bản thân yêu thích nhưng Hà My cho biết cô cũng gặp không ít những tình huống nhạy cảm. Để tránh không làm hỏng mối quan hệ, cô gái Quảng Bình phải lựa cách thoát thân khéo léo.
Cơ duyên với nghề
Cấp 3 học chuyên Anh, tới khi lên đại học theo chuyên ngành quản trị kinh doanh, Trần Hà My (22 tuổi) chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề phiên dịch tiếng Trung.
"Tôi rất mê tiếng Trung nhưng toàn tự học chứ không theo trường lớp nào. Tình cờ tôi mày mò được một trang web để người học có thể tự luyện bất cứ ngôn ngữ nào. Tại đây, tôi liên hệ được với nhiều bạn người Trung Quốc. Nhờ ngày nào cũng nói chuyện nên tôi được bạn chỉnh giúp khẩu ngữ.
Thậm chí có ngày tôi luyện nói với bạn 3-4 tiếng không thấy chán. Chỉ 2-3 tháng sau, trình độ giao tiếp cải thiện hẳn, tôi đã có thể nghe hiểu 40%-50%. Sau nửa năm, nếu chịu khó chăm chỉ, người học có thể giao tiếp về những chủ đề cơ bản trong cuộc sống", My chia sẻ bí quyết.
Trước khi tốt nghiệp đại học, My đi thực tập, làm trợ lý cho một doanh nhân người Trung Quốc kinh doanh mảng nhà hàng tại quận 10 ở TPHCM. Và cũng tại đây, cơ duyên nghề phiên dịch mở ra với cô gái rất tình cờ.
Một lần, đối tác của nhà hàng cần một phiên dịch tiếng Trung thời vụ, dịch trong vòng một tiếng liên quan tới chuyên ngành an toàn thực phẩm. Ban đầu, My định từ chối vì sợ năng lực bản thân chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng sau đó, cô quyết định thử sức.
Buổi dịch diễn ra không quá căng thẳng. Với những từ chuyên ngành, Thu nhờ khách hàng giải thích thêm để nắm bắt đúng ý và có thể dịch chuẩn. Sau khoảng một tiếng, buổi họp kết thúc khá suôn sẻ. Cuối buổi, cô được phía công ty đối tác gửi tặng một phong bì nhỏ.
"Tôi mở ra thấy bên trong có 500.000 đồng. Đó là mức thù lao đầu tiên khi đi làm nghề, thậm chí còn cao hơn một ngày công ", cô gái 22 tuổi nói.
Không lâu sau đó, My nhận được một công việc phiên dịch về lĩnh vực sản xuất tinh dầu và đưa khách đi ăn uống. Buổi làm việc trong 3 tiếng, số tiền cô nhận về gần 1 triệu đồng.
Sau những lần như thế, My bắt đầu chủ động tìm kiếm công việc phiên dịch ngắn ngày. Tới tháng 10/2023, khi kỳ thực tập tại công ty kết thúc, cô nhận thấy bản thân không thích công việc văn phòng bó buộc nên quyết định nghỉ việc luôn và trở thành một freelancer (người làm tự do).
Thu nhập tốt nhưng nhiều cạm bẫy
Hiện tại, các đầu mối công việc của My đều thông qua công ty môi giới hoặc được khách cũ gọi, người cũ giới thiệu khách mới. So với thời điểm còn làm việc văn phòng, cô nhận thấy làm tự do đồng nghĩa với thời gian làm dài hơn, độ vất vả và áp lực cũng tăng cao. Nhưng bù lại đây đúng là công việc ưa thích của cô gái.
"Nếu làm văn phòng, tôi sẽ kết thúc công việc trong 8 tiếng mỗi ngày. Làm phiên dịch thời vụ, tôi phải bắt đầu từ 7h tới 22h mới kết thúc "ngày công" là chuyện bình thường. Ngược lại, người làm nghề này cũng sẽ nhận được mức thù lao tương xứng, thu nhập có thể tốt hơn rất nhiều so với làm văn phòng", cô cho biết.
Bên cạnh thu nhập tốt, cô gái cho rằng nghề phiên dịch cũng là một trong những nghề khá nhạy cảm, đặc biệt với phái nữ. Giai đoạn đầu mới theo đuổi nghề, cô thường xuyên gặp những tình huống thử thách, 10 lần nhận hợp đồng đi dịch thì 7-8 lần bị mời gọi.
"Những đối tác tôi tiếp xúc sang Việt Nam tìm kiếm thị trường hầu hết là người có điều kiện kinh tế. Có ông chủ nói thẳng với tôi là chỉ cần ngủ cùng một đêm sẽ chuyển khoản luôn số tiền lớn. Thậm chí có người cho biết đã lập gia đình, có con cái tại Trung Quốc nhưng vẫn muốn tìm bạn gái ở Việt Nam để hỗ trợ. Những đề nghị như vậy không phải ép buộc nên tôi có thể từ chối mà vẫn được việc và giữ được mối khách quen".
Và cách đây không lâu, cô cũng rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Khi đang nhận việc đi cùng đoàn để phiên dịch, cô nhận được tin nhắn của khách báo sẽ đặt một phòng khách sạn có giường đôi cho cô và người này. Vị khách là nam giới, mới tiếp xúc ngày đầu, trong khi công việc chưa kết thúc, cô nói khéo với khách sẽ ra nhà bạn ở gần đó.
"Trong bất cứ trường hợp nào, bên cạnh chuyện giữ mối quan hệ công việc, bảo vệ bản thân là điều nữ phiên dịch viên phải tính tới", cô nói.
Sau thời gian gắn bó với nghề, My nhận thấy phiên dịch là nghề mang lại nguồn thu xứng đáng và thêm nhiều mối quan hệ, giúp bản thân trưởng thành qua từng lần va vấp. Tuy nhiên cô cũng xác định không coi đây là nghề có thể theo đuổi lâu dài.
"Không định gắn bó nghề phiên dịch tự do mãi nhưng chắc chắn tôi không quay lại làm nhân viên văn phòng vì luôn phải hướng lên phía trước. Đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, tôi dự kiến tìm kiếm công việc liên quan tới thương mại", cô tiết lộ.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)