1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nữ công nhân quặn lòng để con 3 tuổi ở quê vì đồng lương eo hẹp

Hoa Lê

(Dân trí) - Sau khi được người quen giới thiệu, vợ chồng chị Ma Thị Nga khăn gói xuống thành phố Thái Nguyên xin việc trong nhà máy. Không có điều kiện kinh tế, chị buộc lòng phải để con cái ở quê nhà.

Nhớ con... nhưng không còn lựa chọn khác

9 năm làm công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở thành phố Thái Nguyên, chị Nga vẫn nhớ như in hành trình từ huyện miền núi Định Hóa (Thái Nguyên) xuống thành phố xin việc.

Trăn trở mấy đêm, vợ chồng chị cũng đưa ra quyết định tìm việc trong khu công nghiệp thay vì quanh năm trồng lúa, làm nông nghiệp ở quê.

Khi ấy, con trai của chị mới tròn 3 tuổi. Không còn cách nào khác, chị phải gửi con ở nhà cho bố mẹ chăm sóc để đi làm ăn xa, mong mỏi thu nhập sẽ cao hơn.

Nữ công nhân quặn lòng để con 3 tuổi ở quê vì đồng lương eo hẹp - 1

Chị Ma Thị Nga phải gởi con nhỏ ở quê để lên thành phố làm việc (Ảnh: Hoa Lê).

Chị Nga xin vào làm ở một nhà máy trong Khu công nghiệp tại thành phố Thái Nguyên. Chồng chị cũng tìm việc làm bốc vác cho doanh nghiệp tư nhân.

"Nhờ có người quen đã làm việc trong nhà máy hỗ trợ, nên quá trình tìm việc, xin làm công nhân của tôi cũng không mấy khó khăn", chị Nga chia sẻ.

Nằm trong phòng trọ ở cách nhà máy không xa, chị Nga không thể chợp mắt trong những đêm đầu xa con. Lòng người mẹ quặn thắt khi con trai còn quá nhỏ phải xa vòng tay của mình. Nhưng đặc thù công việc tăng ca, làm ca đêm của công nhân, chị cũng không thể đèo bòng thêm con mình dưới thành phố.

Hai vợ chồng chị tá túc trong phòng trọ rộng chừng 10m2 để tiết kiệm tối đa chi phí. Đồ đạc trong phòng cũng đơn sơ, chỉ đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.

Thấm thoắt gần một thập kỷ gắn bó với nhà máy, con lớn của chị đã lên lớp 6 và con thứ hai đang tuổi lên 3. "Trước đây, tuần nào vợ chồng tôi cũng vượt 70km về thăm con. Khi có con nhỏ, tôi không thể đi lại như trước. Chỉ có những ngày nghỉ dài chúng tôi mới trở về nhà", chị Nga kể.

Nữ công nhân quặn lòng để con 3 tuổi ở quê vì đồng lương eo hẹp - 2

Con của chị phải học trường mầm non tư thục để thuận tiện cho việc đưa đón sau giờ tăng ca (Ảnh: Hoa Lê).

Trao đổi về việc để con lớn ở quê với ông bà có thiệt thòi, nữ công nhân lặng đi và kể tiếp vì "không có lựa chọn nào khác". Con còn quá nhỏ nên gia đình chị cũng chưa dám gửi về với ông bà.

Tuy nhiên, do làm ca kíp, chị phải gửi con ở trường tư. Những ngày tăng ca đến 19h, con của chị vẫn quanh quẩn ở trường học nhờ các cô trông thêm. Chính vì vậy, mỗi tháng tiền học cho con dao động 1,5-1,8 triệu đồng.

Sau khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng, thu nhập bao gồm tăng ca của nữ công nhân dao động 6,5-7 triệu đồng/tháng. Cùng với đồng lương 7 triệu của chồng, gia đình chị cố gắng dành 4 triệu đồng gửi về quê cho ông bà, con cái chi tiêu, ăn học.

Tiết kiệm dành tiền nuôi em

Bố mất sớm, Lý Thị Chuyên xuống thành phố Thái Nguyên làm công nhân, mẹ cô cũng đến Hà Nội làm thuê. Cả hai người miệt mài lao động mỗi ngày để có thu nhập nuôi em gái đang học lớp 12.

Chị Chuyên thuê phòng trọ chật hẹp chừng 10m2 ở phường Phúc Xá (Thái Nguyên) để thuận lợi cho việc di chuyển đến công ty. Cả tiền điện, nước, mỗi tháng cũng "đốt" của nữ công nhân này 1,5 triệu đồng.

Giá cả ngày càng đắt đỏ, để có tiền dư mỗi tháng, Chuyên dậy sớm nấu cơm ăn trước khi đi làm và phần còn lại phần để dành cho bữa tối. Bởi nữ công nhân cho rằng nếu mỗi ngày đều ăn suất cơm 30.000 đồng ở ngoài thì cuối tháng sẽ rất tốn kém. 

"Đi làm cả ngày ở nhà máy, tối về chúng tôi cũng muốn đi giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, lương cơ bản của tôi mới tăng lên được khoảng 4,6 triệu đồng, cả tăng ca thì một tháng thu nhập khoảng 6 triệu nên tôi phải tính toán không dám đi đâu", chị Chuyên chia sẻ.

Nữ công nhân quặn lòng để con 3 tuổi ở quê vì đồng lương eo hẹp - 3

Công nhân phải tằn tiện chi tiêu để gửi tiền về quê nhà (Ảnh: Hoa Lê).

Lương có hạn, nên chị Chuyên cũng như nhiều gia đình công nhân khác phải thắt chặt chi tiêu hằng tháng. Có như vậy, chị mới mong có tiền dư gửi về nuôi em đang ăn học.

Mong mỏi lớn nhất của chị là công ty có nhiều đơn hàng, nhiều việc để có thể tăng ca, có thêm thu nhập.

Để bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho công nhân lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng cho biết, đơn vị đã làm việc với nhiều doanh nghiệp về tăng lương cơ bản cho người lao động, về tăng ca, làm thêm giờ, thời giờ làm việc.

Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng làm việc với các đối tác để ký kết thêm nhiều thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi cho người lao động. Đồng thời, đơn vị triển khai kế hoạch thương lượng, ký kết và thực hiện các Thỏa ước lao động tập thể để giúp người lao động có môi trường làm việc và đời sống tốt hơn.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ người lao động bằng tiền và hiện vật với số tiền hàng tỷ đồng.