Nữ công nhân may thu nhập gần 18 triệu đồng: "Tôi thấy xứng đáng"
(Dân trí) - Tổng thu nhập trong tháng 7 của chị Lê Thị Xuân (Nghệ An) đạt 17,7 triệu đồng, cao nhất công ty và cao nhất trong 9 năm làm việc tại công ty.
Mới đây, hình ảnh một doanh nghiệp tại Nghệ An tuyên dương 9 công nhân có tổng thu nhập cao nhất tháng 7, đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng.
Theo hình ảnh đăng tải, trong tháng 7, có 2 lao động của doanh nghiệp này thu nhập gần 15 triệu đồng, 3 người 15,5-15,9 triệu đồng, 1 người 16,7 triệu, 2 người 17,5 triệu đồng. Người có thu nhập cao nhất công ty là 17,7 triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn năm 2023 là 6,63 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với 2022. Mức lương này thấp hơn khá nhiều so với ước tính lương bình quân của người lao động cả nước trong năm (8,49 triệu đồng/tháng).
Bởi vậy, mức lương cao nhất của một lao động trong công ty may đạt 17,7 triệu đồng, so với tiền lương bình quân là "đáng mơ ước".
Trầm trồ trước mức thu nhập này, nhiều người dùng mạng xã hội tại Nghệ An nói vui sẽ bỏ việc để xin vào làm cho doanh nghiệp nói trên.
Ông Phan Đình Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Minh Anh - Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh, thành phố Vinh, Nghệ An), xác nhận mức thu nhập mà công nhân đạt được như hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội là của doanh nghiệp.
"Hàng tháng chúng tôi đều tuyên dương lao động có mức thu nhập cao và lao động xuất sắc để động viên, tạo sự thi đua trong anh chị em công nhân", ông Tài nói.
Người có mức thu nhập cao nhất công ty là chị Lê Thị Xuân (30 tuổi, quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Một điều đặc biệt, trong tháng 6, chị Xuân xếp thứ 3 công ty, với tổng thu nhập 14,7 triệu đồng.
So với tháng trước, thu nhập của chị Xuân tăng 3 triệu đồng. Đây cũng là mức thu nhập cao nhất từ trước tới nay của chị Xuân. Chị Xuân gắn bó với công ty được 9 năm.
"Trước tôi có 4 năm làm việc tại Bắc Ninh. Khi quyết định về quê, tôi cũng khá đắn đo bởi lương tối thiểu vùng tại Nghệ An thấp hơn Bắc Ninh, còn chi phí sinh hoạt lại không hề thua kém các đô thị lớn", chị Xuân tâm sự.
Chị Xuân có 2 con nhỏ, 6 tuổi và 3 tuổi. Hàng ngày, chị rời khỏi nhà lúc 6h30 để kịp giờ làm việc.
Công việc hiện tại của chị Xuân là nhận, kiểm tra, cân chun quần bò trẻ em, kiểm tra túi và phân loại theo kích cỡ. Công việc có thể thay đổi, tùy theo yêu cầu đơn hàng mà công ty thực hiện.
Nói về mức thu nhập là mơ ước của nhiều công nhân trên địa bàn, chị Xuân cười: "Tôi thấy hoàn toàn xứng đáng với công sức mình bỏ ra".
Theo chia sẻ của nữ công nhân này, chị tăng ca theo lịch làm việc của công ty và do có kinh nghiệm lâu năm nên năng suất làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, đơn hàng nhiều và ổn định cũng là một trong những nguyên nhân để chị nâng cao năng suất lao động.
"Khi đơn hàng nhiều, ổn định trong một thời gian dài, kỹ năng kiểm tra và phân loại hàng của tôi tốt hơn là làm quen với mẫu mới", chị Xuân chia sẻ.
Với khoản thu nhập 17,7 triệu đồng, chị Xuân dành một phần biếu bố mẹ chồng, cảm ơn ông bà đã chăm sóc các cháu để mình yên tâm đi làm. Chị mua quà, đóng các khoản đầu năm học cho con và chi tiêu trong tháng. Nữ công nhân này cũng trích ra một phần nhỏ để tiết kiệm.
Ông Phan Đình Tài cho biết, ngành may mặc nói chung và công ty nói riêng đã có sự phục hồi tốt sau thời gian khó khăn do dịch Covid-19. Đơn hàng nhiều hơn, ổn định hơn, cùng với đó, chính sách cải cách tiền lương của nhà nước và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp là yếu tố tăng thu nhập cho người lao động.