1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên

Dương Phong

(Dân trí) - Mãng cầu từng bị "lãng quên" vì vị chua và nhiều hạt, không có giá trị kinh tế. Thế nhưng, từ loài cây mọc dại này, chị Lê Thị Ly Na đã chế biến, sản xuất thành công thành trà đóng gói.

"Bén duyên" với mãng cầu

Chị Lê Thị Ly Na (SN 1989, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) là cán bộ giảm nghèo thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông.

Năm 2018, biến cố xảy ra với chị Na khi phát hiện mình bị bệnh. Nhưng cũng từ đây, chị "bén duyên" với những cây mãng cầu, thứ cây mọc dại nhiều nơi ở tỉnh Đắk Nông.

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên - 1

Chị Ly Na "bén duyên" với những cây mãng cầu sau khi trải qua thời gian điều trị bệnh ung thư

Chị Na cho biết, trong quá trình điều trị bệnh, chị đã đọc rất nhiều tài liệu về các thực phẩm ngăn ngừa, phòng chống căn bệnh ung thư, trong đó có mãng cầu.

Khoảng 20 năm trước, đây là loại cây này được trồng khắp các tỉnh Tây Nguyên, hầu như nhà nào cũng có một, hai cây mãng cầu. Thế nhưng, khi các loại cây ăn trái ngày càng đa dạng, mãng cầu dần bị rời vào quên lãng, để mọc hoang khắp nơi.

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên - 2

Mãng cầu sau khi được ủ lên men sẽ được mang đi sấy khô

"Mãng cầu có vị chua, lại nhiều hạt, năng suất không cao nên càng ngày càng ít người trồng và ít người thu mua. Thời gian đi địa bàn, làm công tác giảm nghèo, tôi để ý thấy rất nhiều trái mãng cầu chín rụng đầy gốc nên đã tìm hiểu cách chế biến trái cây này", chị Ly Na kể lại.

Nữ cán bộ giảm nghèo nhận thấy rằng, một sản phẩm từ mãng cầu không chỉ là một tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, hướng tới sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tạo tiền đề cho người dân xây dựng các mô hình khép kín, liên kết hộ gia đình trồng và sản xuất trái mãng cầu sạch. Từ đó, chị Na bắt đầu thử nghiệm sản xuất trà mãng cầu.

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên - 3

Những ngày đầu làm trà khá chật vật, thất bại nhiều lần

Thế nhưng những ngày đầu làm trà khá chật vật, thất bại nhiều lần. Trong đó, nhiều mẻ trà đã không ra mùi, thậm chí không ra vị. Rồi đến khâu chọn nguyên liệu không chuẩn đã khiến chất lượng trà bị "bể" liên tục. Nếu chọn trái chín quá, vị trà thường bị chua còn quả xanh quá thì không ra đúng mùi vị.

"Trong quy trình làm trà của cơ sở có tới 8-9 công đoạn. Trong tất cả các công đoạn đó thì việc ủ trà là khâu quan trọng nhất", chị Ly Na cho biết.

Đặc biệt, chị Na đã vận dụng theo cách của người M'nông, Ê đê (người đồng bào bản địa) khi ủ vào chum, ché… Việc ủ nguyên liệu đầu vào theo cách này đã giúp sản phẩm sẽ không bị ẩm mốc, mùi vị không thay đổi do không sử dụng chất bảo quản.

Giúp nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo

Hơn 1 năm "bén duyên" với mãng cầu, mỗi tháng, trà mãng cầu xiêm của cơ sở cung ứng cho thị trường từ 5-7 tạ sản phẩm. Sản phẩm cũng đang có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố như: Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk…

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên - 4

Mãng cầu được chế biến, đóng gói để đưa ra thị trường

Hiện tại, giá thành của 100 gram trà dao động vào khoảng 90.000-95.000 đồng. Chị Ly Na chia sẻ thêm, sắp tới, cơ sở sẽ đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, trong đó tập trung sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Theo đó, ngoài trà mãng cầu hiện tại, cơ sở sẽ làm thêm trà túi lọc để tiện dụng hơn khi sử dụng. Ngoài những trái chọn làm trà xong, những trái chín sẽ được sấy làm sinh tố khô. Khi sử dụng chỉ cần bỏ 1 viên là sẽ có ly sinh tố, không cần phải sử dụng đến công đoạn xay nữa.

Hiện tại, để đảm bảo sản xuất, chị Na xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với các hộ gia đình ở xã Đắk R'moan (TP. Gia Nghĩa), Đắk Ha (huyện Đắk Glong). Trong đó, cơ sở thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con, với điều kiện các hộ gia đình làm theo các quy trình hữu cơ, với giá thu mua gấp đôi, gấp ba so với giá thị trường (giá thị trường khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg).

Nữ cán bộ giảm nghèo làm giàu từ loài cây từng bị lãng quên - 5

Hiện tại, cơ sở chế biển của chị Na tao việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương

"Thời gian tới, cơ sở sẽ đẩy mạnh việc liên kết với hộ gia đình có đất sản xuất những cây mãng cầu này. Thông qua đó sẽ hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, về giống, phân bón, việc thu hái, bảo quản… Trước mắt, cơ sở khuyến khích các hộ gia đình tận dụng những cây trong vườn đang cho trái, đối với những cây già cỗi thì cưa bỏ để trồng cây mới", chị Na cho hay.

Cũng theo chị Na, mãng cầu có trồng xen canh với các cây công nghiệp khác. Nếu mãng cầu được chăm sóc tốt, sau 3 năm sẽ cho thu hoạch chính, năng suất có thể đạt 1-2 tạ quả/ cây. Nếu đảm bảo giá thu mua mãng cầu cũng khoảng 20.000-25.000 đồng/kg thì bà con nông dân sẽ đảm bảo được kinh tế gia đình từ các vườn mãng cầu.

Đặc biệt, cơ sở kinh doanh của chị còn đảm bảo việc làm thường xuyên cho 6 lao động phổ thông, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/ tháng. Sản lượng của cơ sở luôn giao động từ khoảng 5-7 tạ/tháng.