1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nỗi lo nhân lực phần mềm

Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực - một trong những yếu tố chính để phát triển ngành công nghiệp phần mềm tại TPHCM - hiện vẫn là vấn đề nan giải.

Tại hội thảo “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phần mềm TPHCM giai đoạn 2006 - 2010” do Hội Tin học TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần phải chú trọng đến nguồn nhân lực và quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.

 

Theo sơ kết hoạt động phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 với mục tiêu là 500 triệu USD, thì nguyên nhân không thành công của hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm là do nguồn nhân lực không đáp ứng được.

 

Nhân lực: Thiếu cả lượng lẫn chất

 

Theo TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam không chỉ yếu về lượng mà cả về chất. Kiến thức của hầu hết sinh viên  công nghệ thông tin khi ra trường đều thiếu, từ kỹ năng làm việc nhóm, tiếp cận qui trình  chất lượng và nhất là trình độ tiếng nước ngoài.

 

Trình độ tiếng Anh của sinh  viên tốt nghiệp đại học của Việt Nam rất thấp, chỉ có khoảng 10% là cải thiện  hơn so với trước, 90% còn lại có khi còn yếu hơn.

 

Thị trường Nhật và Mỹ là 2 thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam,  song các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khó mà có thể cạnh tranh được với các đối thủ như  Ấn Độ, hay Trung Quốc và Nga.

 

Đến ngay cả thị trường Nhật Bản hiện được coi  là tiềm năng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm khi hợp tác cũng  đòi hỏi phải có một số lượng kỹ sư công nghệ thông tin không chỉ có năng lực mà còn phải  thông thạo tiếng Nhật, am hiểu văn hóa và cách làm của Nhật.

 

Bởi đa số các công ty Nhật không chịu giao tiếp bằng tiếng Anh mà ra điều kiện cho  các đối tác là phải giao tiếp bằng tiếng Nhật. Hiện nay ở Việt Nam có rất  ít kỹ sư công nghệ thông tin có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật.

 

Đồng tình với ông Lệ, ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty FPT, cho biết: Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ cho họ phát triển. Hiện FPT đang có vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ, phát hiện nhân tài, hỗ trợ đúng người. Kế hoạch phát triển nhân lực của FPT trong năm 2005 sẽ là 5.000 người trong đó có khoảng 1.000 người làm phần mềm, và với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, năm sau sẽ lấy thêm 4.000 người.

 

Nhưng có lẽ dự kiến này sẽ khó mà thực hiện được nếu không có những biện pháp đồng bộ và sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Cần xây dựng bản sắc riêng

 

Ngoài vấn đề nhân lực, một nguyên nhân nữa là do hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp phần mềm cả nước nói chung hay ở TPHCM vẫn chưa tạo được bản sắc riêng cho lĩnh vực này, đặc biệt là ngành gia công phần mềm xuất khẩu.

 

Hay nói cụ thể hơn là khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn rất non yếu, chỉ một số nhỏ doanh nghiệp phần mềm có đủ khả năng nhận các đơn đặt hàng lớn từ những thị trường lớn và khó tính như ở Nhật, khu vực Bắc Mỹ.

 

Chiến lược phát triển cho ngành gia công phần mềm từ nay đến 2010 theo ông Lệ là cần phát huy nội lực và quảng bá tiềm năng. “Về nội lực, chúng ta cần xác định cái gì là lĩnh vực trọng tâm. Chẳng hạn Trung Quốc xác định thế mạnh của mình là phần cứng, Nga là các hệ thống tính toán phức tạp. Còn chúng ta cho đến nay chúng ta vẫn chưa tạo được bản sắc cho ngành gia công phần mềm Việt Nam. Nếu không có bản sắc rõ ràng, chúng ta sẽ khó chen chân vào dây chuyền của sự phân công lao động quốc tế”.

 

Mặt khác, theo ông Lệ, chúng ta cần xây dựng cổng thông tin (portal) cho ngành phần mềm TPHCMbằng tiếng Anh, Nhật, Pháp... để cung cấp thông tin về tiềm năng của chúng ta cho các đối tác nước ngoài. Hiện nay, các công ty Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin về ngành phần mềm Việt Nam.

 

Thị phần phần mềm TPHCM hiện chiếm khoảng 1/3 thị phần cả nước (tới năm 2010 có thể sẽ không được mức trên). Mặc dù vậy vẫn luôn phải xem ngành này là thế mạnh, cần tăng tốc cả về nhân lực và năng suất. Đào tạo nhân lực phải được coi là khâu đột phá.

 

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 được đặt ra là nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm TPHCM phải đạt khoảng 25.000 người trên tổng số 400 doanh nghiệp thành lập mới tồn tại được; 5 doanh nghiệp có 500 chuyên viên công nghệ thông tin trở lên; 3 doanh nghiệp có 1.000 người trở lên để đáp ứng nhu cầu phát triển.

 

Đó là mục tiêu, còn khả năng thực hiện như thế nào còn tùy thuộc vào bản thân các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Vấn đề cước phí Internet cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập đến. Theo các doanh nghiệp, giá cước Internet quá cao như hiện nay cũng là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm.

 

Về vấn đề này, ông Hoàng Lê Minh, Phó giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông, cho biết: UBND TPHCM cam kết sẽ xin phép Bộ Bưu chính Viễn thông hỗ trợ cước giá về đường truyền Internet cho các doanh nghiệp phần mềm. Doanh nghiệp chỉ trả giá bình quân như các nước trong khi vực, TPHCM sẽ bù giá.

 

Theo Tú Uyên

Vneconomy