Nỗ lực tuyển chọn, nỗ lực “hành”!
(Dân trí) - “Hồi đầu tôi cứ nghĩ anh ta là một người tháo vát, nhanh nhẹn, có năng lực. Về sau mới thấy anh ta chỉ là kẻ mọt sách, học vẹt, chậm chạp và khó tiếp thu”. Vài nhà quản lý vẫn than thở như vậy về nhân viên của mình. Họ không biết rằng nguyên nhân lại nằm ở chính cách dùng người của họ.
1. Yêu cầu và đòi hỏi quá lớn
Bạn giao cho nhân viên mới một bản yêu cầu công việc, trong đó đưa ra những điều kiện khắt khe. Ngày đầu tiên đi làm, giữa hàng núi những thông tin, công việc mới phải tiếp nhận, học hỏi; công thêm tâm trạng bỡ ngỡ; bản yêu cầu công việc của bạn sẽ khiến nhân viên mới “choáng”.
Họ cần có thời gian để làm quen với cái mới. Con người chứ đâu phải máy móc, hãy cho họ thời gian bắt nhịp với môi trường, đồng nghiệp, nhiệm vụ mới… Nếu bạn bắt buộc họ phải cống hiến ngay những thành quả trong lĩnh vực chuyên môn, bạn có thể sẽ nhận được điều ngược lại.
2. Không đồng nhất về quan điểm
Có thể bạn và nhân viên mới chưa đồng nhất trong quan điểm làm việc. Có sự chồng chéo và mâu thuẫn, ắt có rắc rối nảy sinh. Vậy sao bạn không sớm trò chuyện cởi mở với “lính mới”, cho bọ biết hướng đi, đích nhắm của công ty cũng như quan điểm phấn đấu của bạn; đồng thời lắng nghe quan điểm của họ. Bạn có thể thu được nhiều ý tưởng mới, và đồng sức đồng lòng thì kết quả bao giờ cũng khả quan hơn.
3. “Chọc gậy bánh xe”
Cuối cùng, rất có khả năng bạn là một ông sếp bảo thủ, chỉ khư khư giữ ý kiến của riêng mình. Nhân viên vừa đưa ra một ý tưởng, sáng kiến nào đó, bạn lập tức chỉ trích, dè bỉu, chê bai. Thậm chí bạn còn phê bình họ trước cuộc họp và cản trở họ thực hiện ý tưởng mà bạn cho là “điên rồ” đó.
Xét từ quan điểm tài chính, mỗi nhân viên là một sự đầu tư. Để thu lợi tối đa từ nguồn đầu tư, bạn cần phải mang lại cho những nhân viên tinh túy và thông minh của bạn sự tự do sáng tạo.
Khi nhân viên đưa ra đề xuất, góp ý, hãy ghi lại hoặc yêu cầu họ gửi bằng văn bản hoặc e-mail. Lưu ý là không nên trả lời quá nhanh, cũng không nên bỏ qua chúng, hãy suy nghĩ kỹ và cân nhắc thiệt hơn, trả lời họ một cách thấu đáo và công bằng để nếu bạn có nói “không” với ý tưởng của họ thì họ cũng cảm thấy “phục bạn sát đất”.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn tuyển một ai đó vì sức mạnh trí tuệ, kỹ năng thành thạo và năng lực chuyên môn cao của họ, vậy hãy dành cho họ một môi trường thuận lợi cùng những sự động viên kịp thời để họ có thể phát huy trọn vẹn khả năng của mình.
Linh Hương Đặng
Theo Hodu