1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

PV

(Dân trí) - Tư vấn chính sách hỗ trợ người lao động cũng là nội dung được giải đáp trong tọa đàm "Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do báo Dân trí tổ chức ngày 19/10/2021.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến rất nhiều lao động rơi vào tình trạng mất việc, thiếu việc làm, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhà nước, doanh nghiệp đã có nhiều chính sách, việc làm để kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khắc phục phần nào khó khăn đó, yên tâm chống dịch. 

Đảm bảo đời sống cho người lao động

Khi dịch bệnh tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, những người lao động "chân tay" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ là những nhân viên giao hàng, người bị mắc kẹt trong tâm dịch, người làm dịch vụ tự do… Nhiều người thậm chí còn rơi vào cảnh cả gia đình mất việc, lại nuôi con nhỏ nên khó chồng thêm khó.

Là một trong những đơn vị có hàng nghìn lao động phải tạm dừng việc làm, Viettel post đã kịp thời có những giải pháp thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh.

Nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - 1
Gỡ khó cho người lao động ảnh hưởng bởi Covid 19

Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Nhân sự - Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) chia sẻ: "Trong mùa dịch, Viettel Post là đơn vị được Bộ TTTT giao nhiệm vụ giao hàng hóa thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân vùng dịch. Tuy nhiên, do nhu cầu giao nhận hàng hóa không thuộc hàng hóa thiết yếu sụt giảm lớn nên có khoảng 2.500 lao động của chúng tôi phải tạm dừng việc làm đến khi thiết lập trạng thái bình thường mới sẽ có phương án đưa người lao động quay trở lại làm việc.

Đặc biệt, Đối với trường hợp người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch Covid-19 thì sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với nhóm đối với người lao động ngừng việc, được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019; Thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Điều kiện thứ 2 để được hưởng chính sách này là đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước đó, kể từ thời điểm mà người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương.

Giải pháp phục hồi thị trường lao động

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành chức năng và người dân, làn sóng dịch bệnh lần thứ tư cơ bản đã qua giai đoạn đỉnh điểm, mọi hoạt động chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với đó là nhu cầu giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ người lao động được đặt lên hàng đầu để sớm phục hồi thị trường lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, thị trường lao động Hà Nội là thị trường lao động lớn nhất nhì cả nước, do đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không hề nhỏ. Lao động có việc làm ở Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc… Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.

Nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - 2
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc TT DVVL chia sẻ trong tọa đàm

Tuy nhiên, hiện Hà Nội đã trở lại trạng thái bình thường mới sau 3 lần giãn cách xã hội, nhu cầu quay trở lại thị trường lao động làm việc đã tăng dần.

Nghị quyết 68, Quyết định 23 có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động trong thời gian từ 1/5/2021 - 31/3/2022.

Về phía Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bên cạnh việc triển khai linh hoạt các biện pháp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm sau khi người lao động quay lại làm việc sẽ tư vấn hỗ trợ người lao động tìm việc làm, với trình độ, phù hợp. Đồng thời hỗ trợ người lao động kết nối với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện các Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai việc tiếp nhận hồ sơ đối với các đối tượng mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 21/9, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách.

Từ thực tế trên, để chuẩn bị phục hồi nền kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch trong tình hình mới, thiết nghĩ cần phải ưu tiên các nhóm giải pháp thiết thực, sớm mang lại hiệu quả.

Thứ nhất, nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch: tiêm vắc xin miễn dịch cộng đồng; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá sinh hoạt; chính sách đảm bảo an sinh cho lao động ngoại tỉnh…

Thứ hai là các giải pháp để làm cơ sở cho phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội: cần có chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là lao động không có việc làm; bổ sung nguồn vốn vay đối với tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn do dịch bệnh; nhanh chóng thiết lập thông tin thị trường lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch về lao động; Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.