Nợ bảo hiểm xã hội: Nhức nhối với gần 12.000 tỉ đồng

(Dân trí) - Tới thời điểm hiện nay, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các đơn vị và doanh nghiệp đã lên tới gần 12.000 tỉ đồng. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa thực hiện do vướng quy định pháp luật. Trong khi đó, ngành BHXH cũng mới được tiếp nhận chức năng thanh tra BHXH.


Nợ BHXH đang ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động

Nợ BHXH đang ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động

Theo Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2016, công tác khởi kiện sẽ được chuyển giao từ ngành BHXH sang ngành công đoàn. Trong đó, Tổng LĐLĐ VN là cơ quan đầu mối chủ trì việc tiếp nhận các công tác khởi kiện doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH.

Tuy nhiên tới nay, do còn vướng một số quy định pháp luật, việc thực hiện khởi kiện do ngành công đoàn đảm nhiệm vẫn chưa được thực hiện.

Thống kê của Tổng LĐLĐ VN, sau gần 2 năm tiếp nhận chức năng khởi kiện như trên, liên đoàn lao động (LĐLĐ) các cấp trong toàn quốc đã tiếp nhận hơn 2.700 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, 20 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH tới các cấp Tòa án.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về những khó khăn trong triển khai chính sách BHXH.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), trong 187 vụ kiện trên, toàn án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ. Tòa án không thụ lý giải quyết hơn 100 vụ kiện.

“Các nguyên nhân khiến Toà từ chối là: Không có giấy ủy quyền từ những người lao động hoặc công đoàn cơ sở cho công đoàn cấp trên để làm thủ tục khởi kiện; vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; thực hiện theo thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền, theo đó cần đưa qua cấp Chủ tịch UBND huyện giải quyết từ bước ban đầu” - ông Lê Đình Quảng nói.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, số nợ BHXH đã gần 12.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỉ đồng nợ từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi. Điều này ảnh hưởng với quyền lợi hợp pháp của hơn 190.000 người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp trên.

Tình trạng trên đang gây nên sự lo ngại về nguy cơ làm gia tăng tình trạng nợ BHXH. Mặt khác, sự chậm trễ trong điều chỉnh pháp luật phần nào làm giảm tính răn đe tới những doanh nghiệp cố tình trây y nợ BHXH, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của nhiều người lao động trong doanh nghiệp.

Được biết tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng LĐLĐ VN đã kiến nghị Quốc hội giao cho Ủy ban các vấn đề xã hội phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, trong quá trình rà soát nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng, Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền. Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, Quốc hội sẽ giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Chưa xem xét nâng mệnh giá bảo hiểm y tế

Đây là nội dung Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp về nội dung sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Từ nay đến năm 2020 chưa xem xét việc nâng mệnh giá bảo hiểm y tế nên cần tính toán mức đóng, đảm bảo sự bền vững của Quỹ, cân đối theo từng năm, việc đưa ra chính sách phải căn cứ vào khả năng của các bên liên quan và thực lực của nền kinh tế. Theo Kết luận của Phó Thủ tướng, Bảo hiểm y tế có tính chất an sinh xã hội cao, rất nhạy cảm, liên quan đến đại bộ phận người dân, vì vậy việc thường xuyên rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT trong đó có Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là rất cần thiết. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT và Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP cần quán triệt các nguyên tắc, định hướng cơ bản. Cụ thể, tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế và các pháp luật có liên quan, phản ánh đúng bản chất, chức năng, nhiệm vụ của BHYT với nguyên tắc "đóng - hưởng" và chia sẻ rủi ro.

L.H