Những vị sếp thích làm nhân viên
(Dân trí) - “Rảnh nhỉ, không có việc hay sao mà cứ lang thang thế?”. Thay cho câu trả lời, Mận than: “Sếp tao lạ lắm, thích giành hết việc của nhân viên”.
Sếp là người vạch đường đi nước bước cho nhân viên.
Sếp của Mận là Hải, 25 tuổi, giám đốc kinh doanh một công ty thực phẩm tại Hà Nội. Vừa nhận chức chưa lâu, Hải đã mất ăn mất ngủ do áp lực công việc. Ngày nào cô cũng đi sớm về muộn mà cảm thấy công việc vẫn chưa được ưng ý. Sau cùng Hải cho rằng có lẽ do những nhân viên dưới cấp làm chưa “chuẩn”. Từ đó, Hải muốn mọi việc phải do chính mình giải quyết.
Giao việc cho cấp dưới không yên tâm, Hải tự giải quyết tất cả công việc từ đầu đến cuối. Công việc thì ngày càng nhiều nhưng hiệu quả vẫn chẳng là bao. Gần 6 tháng, thời gian của cô cho gia đình, bản thân ngày càng ít đi, lại mang dấu hiệu stress nặng do công việc luôn ám ảnh trong đầu.
Không riêng gì Hải, rất nhiều quản lý cấp cao ở một số công ty cũng mắc những rắc rối tương tự. Nhiều người giữ vai trò lãnh đạo cả một công ty với tập thể nhân viên nhưng lại nhầm lẫn vai trò của mình. Họ điều hành nhân viên không hiệu quả và tự dồn mình vào ngõ cụt.
Tự biến mình thành nhân viên, lợi ít hại nhiều
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa vị trí của người lãnh đạo và vị trí của nhân viên. Bạn nên nhớ sếp là nắm quyền cao nhất trong công ty, hiểu rõ các công việc cần làm và nội bộ trong công ty. Còn nhân viên chỉ là người nhận nhiệm vụ rồi thi hành hoặc làm những việc khác mà sếp giao phó. Nói rộng ra, nhiệm vụ chủ yếu của sếp hay những người lãnh đạo là tìm đường đi cho công ty hay cho tập thể để hiệu quả và phải chịu trách nhiệm khi quyết định của mình mang tới thành công hay thất bại.
Người quản lý sẽ trực tiếp kiểm soát, hướng dẫn và thúc giục nhân viên nhanh chóng đạt được mục tiêu do mình hay cấp cao hơn đề ra. Nếu người lãnh đạo ôm đồm quá nhiều, tất yếu hiệu quả công việc sẽ thấp và họ khó đưa ra được một quyết định nào đúng đắn kịp thời cả. Khi bạn tập trung tất cả quyền lực trong tay mình dễ dẫn đến sự độc đoán, thiếu công minh và thiên vị.
Bạn chỉ cần vắng một ngày là công việc sẽ rối loạn và nhân viên không biết bắt đầu công việc từ đâu, như thế nào. Đồng thời cấp dưới sẽ mất hết “lửa” trong công việc. Họ cảm thấy mình như là người thừa và sếp không tin tưởng mình từ đó dễ nảy sinh tâm lý chán nản, không chủ động, ỷ lại cấp trên và không gắn bó lâu dài với công ty.
Làm đúng vai trò, hiệu quả sẽ tăng cao
Khi bạn làm sếp không nhất thiết bạn phải ôm đồm tất cả mọi việc và phải giải quyết chúng nhưng bạn cần phải nắm vững tiến độ công việc được triển khai như thế nào. Hãy tự tin giao việc cho cấp dưới, khuyến khích nhân viên trong công việc có những sáng tạo mang lại hiệu quả. Chỉ khi họ bế tắc hay đi lạc hướng bạn mới trợ giúp. Nên tập trung cho công việc chính của mình là tìm và xây dựng chiến lược phát triển công ty, bố trí nhân sự, tìm các công cụ hỗ trợ để công việc được toàn diện và hiệu quả.
Anh Ngà