Những vị sếp “nguy hiểm”

(Dân trí) - Sếp có vai trò quan trọng trong sự phát triển nghề nghiệp của mỗi nhân viên. Nếu may mắn được làm việc với những sếp tốt, bạn sẽ thuận lợi hơn trên con đường tiến tới thành công. Ngược lại, những vị sếp “xấu tính” sẽ gây khó khăn cho quá trình của bạn.

Để vượt qua trở ngại này, bạn cần xác định sếp mình thuộc loại nào, từ đó có cách đối phó thích hợp. Dưới đây là 5 kiểu sếp “nguy hiểm” thường gặp và biện pháp đối phó:  

 

1. Sếp thích kiểm soát

Kiểu sếp này sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào của nhân viên nếu không có sự đồng ý của họ, kể cả về những vấn đề nhỏ nhặt nhất. Sếp gọi điện từng giờ để kiểm tra tiến độ công việc và kiểm soát mọi vấn đề cho tới khi hoàn thành dự án. Người quản lí nhỏ nhặt này làm hạn chế tính độc lập cũng như sáng tạo của nhân viên.

 

Đối phó ra sao? Nếu bạn bị giám sát một cách quá nhỏ nhặt và chặt chẽ, đừng vội phản ứng tiêu cực. Để làm thoả mãn vị sếp này, bạn nên cố gắng tập trung vào những thông tin họ muốn. Hãy kiếm tìm sự tin tưởng bằng cách thực hiện đúng những gì sếp chỉ định. Dần dần, sự kiểm soát sẽ được nới lỏng hơn.

 

2. Sếp khó gặp mặt

Sếp thường không có mặt ở văn phòng do hay đi công tác hoặc xuống công trường. Sếp bận rộn đến nỗi bạn khó gặp trực tiếp. Mặc dù nhiều nhân viên mong muốn có một vị sếp như vậy để được tự do nhưng nó có thể mang đến kết quả ngược lại khi bạn tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp, cần sự hướng dẫn, chỉ đạo của sếp.

 

Đối phó ra sao? Hãy cố gắng xuất hiện thường xuyên trong “vùng phủ sóng” của họ bằng những cuộc gọi điện, email viếng thăm thường xuyên. Sự giao tiếp liên tục sẽ dần hình thành mối quan hệ mạnh mẽ và có chiến lược. Và nếu như sếp trực tiếp không đáp ứng được nguyện vọng của bạn, bạn có thể tìm kiếm lời khuyên và hướng dẫn nghề nghiệp từ những nguồn khác như sếp khác hoặc bên ngoài công ty.  

 

3. Sếp giống như một nhà chính trị

Xung quanh sếp này luôn có một đội ngũ nhân viên cấp dưới hùng hậu giúp đỡ. Sếp đặc biệt quan tâm và chú ý tới các mối quan hệ xã hội hơn bất cứ vấn đề nào khác. Ngoài ra, đôi khi sếp còn “chiếm không” danh tiếng từ những thành công của bạn.

 

Đối phó ra sao? Sếp như nhà chính trị thường giao cho nhân viên nhiều sự tự do và trách nhiệm hơn. Hãy tận dụng chúng để gây ấn tượng với đồng nghiệp và những sếp khác. Họ sẽ chú ý tới sự chăm chỉ, thành quả của bạn và ghi nhận một cách xứng đáng. Ngoài ra, bạn có thể học thêm được kĩ năng quan hệ xã hội từ chính người sếp “chính trị” của mình khi có cơ hội.

 

4. Sếp bất tài

Sếp bất tài có thể là người mới trong lĩnh vực hoặc thiếu một số kĩ năng quản lí. Một điểm tốt của kiểu sếp này là họ luôn cởi mở chấp nhận mọi ý tưởng, đề xuất của bạn, đơn giản vì đó là thứ sếp luôn thiếu.

 

Đối phó ra sao? Hãy tận dụng sự yếu kém của sếp để toả sáng bằng những ý tưởng mới và hiệu quả, đồng thời làm việc chăm chỉ, chứng tỏ bạn là một thành viên không thể thiếu trong nhóm. Có thể những người ở vị trí cao hơn sẽ thấy được tài năng của bạn và bổ nhiệm bạn thay thế cho vị sếp bất tài kia.  

 

5. Sếp chỉ biết công việc

Hãy xác định xem liệu sếp của bạn có phải là một Napoleon nơi công sở thời hiện đại - sếp luôn đặt ra những nhiệm vụ “bất khả thi” cho nhân viên. Ngoài ra, sếp này không có cuộc sống riêng ngoài công sở và mong chờ điều tương tự ở bạn.

 

Đối phó ra sao? Một chút nịnh bợ sẽ giúp bạn ghi điểm với kiểu sếp này. Hãy tấn công bằng cách thường xuyên hỏi về những thành công cũng như về sự hiểu biết, tinh thông của họ. Ngoài ra, thay vì đưa ra một yêu cầu trực tiếp, hãy khéo léo với nghệ thuật thuyết phục sếp. Bạn có thể trở thành “con cưng” của sếp nếu biết cách làm sếp mềm mỏng hơn.

 

Vũ Vũ

Theo Yahoo