Những “sao” khởi nghiệp từ tay trắng
Trong 20 gương mặt lọt vào chung tuyển giải thưởng Sao Đỏ, nhiều người xuất thân khó khăn, thậm chí lặn lội đêm hôm đi làm thuê. Song ở bất cứ đâu, khát vọng làm giàu, xoay chuyển cuộc sống của mình và bao người cùng cảnh ngộ luôn cháy trong tiềm thức họ.
Công việc càng bề bộn vất vả khi anh luyện thi vào trường ĐH Kinh tế TPHCM. Sau một năm, anh thấy cần phải tự chủ giao dịch ký kết nên đã tìm cách quan hệ với các đại lý vận chuyển, công ty thương maị rồi nỗ lực tự học ngoại ngữ để trực tiếp giao dịch ký kết và bắt đầu xuất khẩu những lô hàng đầu tiên. Nhà xưởng nhếch nhác không thể tạo được lòng tin với khách hàng, cậu sinh viên trẻ mạnh dạn tìm cách thuê toàn bộ một cơ sở nhỏ kém hiệu quả để sản xuất và giao dịch. Đến nay doanh nghiệp của anh đã có quy mô vốn 33 tỷ đồng, những sản phẩm bình đôn cao trên 2,5m được khách hàng đánh giá ngang với gốm Italy, Tây Ban Nha.
Giám đốc công ty địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cũng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo của vùng đất miền Trung. "Xác định chỉ có học vấn là con đường có thể đưa mình và gia đình lên sự công bằng và phá tan những hố sâu ngăn cách giàu nghèo nên tối cố gắng học", anh kể. Trải qua nhiều môi trường làm việc và ngành nghề khác nhau, ở tuổi 36 dù có việc làm ổn định, thu nhập cao song anh vẫn quyết tâm "ra riêng" để thực hiện ước mơ ngày nào. Năm 2000, anh quyết chọn kinh doanh môi giới địa ốc dù quan niệm xã hội lúc đó không nhiều thiện cảm. Hoàng Quân cũng là doanh nghiệp địa ốc đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Mỹ, Australia, từ vốn đăng ký 20 tỷ đồng nay vốn đầu tư đã đạt 268 tỷ đồng.
Năm 1990-1991, anh Hoàng Thái Học, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Thái Nguyên bắt đầu lập nghiệp bằng việc thành lập trung tâm tin học và sửa chữa điện tử với số vốn ban đầu 10 triệu đồng. Không đủ vốn nên anh phải tự thân vận động và kêu gọi bạn bè hỗ trợ làm ăn. Vừa làm thầy vừa làm thợ, gia đình lại không tin tưởng, công việc làm ăn liên tục gặp khó khăn, anh không đủ tiền thanh toán thuê cửa hàng và buộc phải đóng cửa. Sau thời gian bôn ba tại các doanh nghiệp nhà nước, rồi nước ngoài, có kinh nghiệm, anh quyết lập công ty riêng. Có lúc công ty bị chuyển nhượng và rao bán song anh không nản chí. Hết "thua keo này bày keo khác", sau hơn chục năm hoạt động, doanh nghiệp của anh đã tăng quy mô vốn đầu tư lên gần 300 tỷ đồng. Hiện Công ty cổ phần thép Thái Nguyên sở hữu 5 nhà máy, 10 văn phòng và trên 700 lao động.
Nét chung của những giám đốc trẻ là năng động sáng tạo, khao khát làm giàu song rất quan tâm tới người lao động trong công ty. Từng làm công nhân nhân viên tiếp thị, thủ kho, giao nhận hàng hóa chị Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc công ty thương mại Thái Hưng gây dựng doanh nghiệp với số vốn ban đầu 82 triệu đồng lên tới 100 tỷ đồng. Chị thấm thía hơn ai hết những vất vả của công nhân và quyết định đầu tư nhà ăn tập thể, nhà ở cho công nhân, khuôn viên cây xanh, nhà văn hóa, phòng đọc sách báo và nhà thi đấu thể thao.
Anh Hồ Minh Hoàng, Giám đốc công ty tư nhân Hải Thạch cũng quyết định thành lập tổ chức công đoàn từ 7 năm trước đây. Cán bộ công nhân làm việc lâu năm được vay tiền mua xe, mua nhà, vay tiền cho con ăn học với cam kết sau khi ra trường làm việc tại công ty. "Chăm lo cho họ không bao giờ mình lo lúc khó khăn họ bỏ mình ra đi", anh tâm sự.
Theo Việt Phong
Vnexpress