1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những nữ "chiến binh" tái chế rác thầm lặng

Ngô Linh

(Dân trí) - Đi từng ngõ, gõ từng nhà, thu gom ve chai không chỉ là nghề kiếm sống của nhiều chị em phụ nữ, mà còn góp phần quan trọng trong chuỗi tái chế rác thải tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nghề gặp người quen cũng ngại chào hỏi

Đã có thâm niên 23 năm gắn bó với công việc thu gom, phân loại rác thải tái chế tại bãi rác xã Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam), bà Thân Thị Kim Phương (tổ trưởng) chia sẻ, nghề thu gom rác thải này cũng lắm vui buồn, mà nỗi buồn chắc nhiều hơn, đặc biệt sợ nhất là ánh mắt ái ngại của mọi người khi hỏi về công việc đang làm.

Những nữ chiến binh tái chế rác thầm lặng - 1

Bà Thân Thị Kim Phương, tổ trưởng tổ thu gom tái chế rác tại bãi rác Cẩm Hà, TP Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

"Tôi đi từ lúc sáng sớm, tối mịt mới về nhà, cả quãng đường không dám mở khẩu trang, gặp người quen cũng không dám chào. Nó tủi vậy đó, nhưng biết sao giờ, công việc mưu sinh thôi", bà Phương bắt đầu câu chuyện.

Theo bà Phương, hơn 20 anh chị em trong tổ thu gom là những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, nhưng điểm chung là sự khó khăn về kinh tế, điều kiện gia đình khi lựa chọn công việc này. Có những gia đình mẹ truyền con nối, hay vợ chồng cùng mưu sinh bằng nghề thu gom rác thải.

"Đối với các cháu trẻ tôi luôn khuyên nhủ, nếu làm tạm thời thì được còn lâu dài nên tìm việc khác. Môi trường làm việc nơi đây rất độc hại, thời gian lâu dài đủ bệnh trong người. Lao động tự do mà, khắc nghiệt lắm", bà Phương nói thêm.

Theo bà Phương, điều bà tự hào nhất có lẽ là chính nhờ công việc này mà các con được ăn học đến chốn. Bên cạnh đó, nghề ve chai cũng ý nghĩa với xã hội khi chính những người thu gom rác như bà đã góp phần quan trọng trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.

"Có những tháng cao điểm, chúng tôi phân loại đến 50-60 tấn rác/tháng, đời sống càng cải thiện thì lượng rác thải ra càng nhiều. Chúng tôi luôn trong tình trạng quá tải, làm không xuể. Tôi hy vọng mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải", bà Thân Thị Kim Phương cho hay.

Bà Phạm Thị Sâm (59 tuổi, tổ 19, khối Sơn Phong, TP Hội An) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng bị tai biến đã hơn 13 năm, người anh chồng thần kinh không ổn định, gánh nặng chăm sóc đều do một tay bà lo toan.

Những nữ chiến binh tái chế rác thầm lặng - 2

Những người phụ nữ đã góp phần quan trọng trong chuỗi tái chế, phân loại rác thải, bảo vệ môi trường tại TP Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Gần 40 năm trong nghề thu gom ve chai là từng ấy thời gian khó khăn không sao tả xiết đối với bà Sâm. Không đi xe được nên bà phải gánh đôi gánh trên vai rong ruổi khắp nơi, có khi đi bộ hơn 30km để mưu sinh. Hơn 10 năm trước, bà được Hội phụ nữ TP Hội An tài trợ cho chiếc xe đẩy, bớt phần vất vả.

"Khi thu mua ve chai, tôi cũng kỹ lắm, lựa thứ nào ra thứ đấy. Tại nhà mình, tôi vẫn giữ thói quen phân loại rác kỹ càng, thấy ai để lộn xộn là tôi nhắc ngay. Biết hoàn cảnh tôi khó khăn nên mọi người thương lắm", bà Sâm thật thà kể.

Tôn vinh những "chiến binh" thầm lặng

Ngày 20/12, tại TP Hội An, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (IUCN), Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Hội bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) tổ chức hoạt động "Tôn vinh những người phụ nữ làm nghề ve chai năm 2022".

Những nữ chiến binh tái chế rác thầm lặng - 3

Hơn 30 năm làm nghề thu gom ve chai, bà Nguyễn Thị Tài rất vui mừng khi công việc của mình được xã hội ghi nhận, tôn vinh (Ảnh: Ngô Linh).

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội phụ nữ TP Hội An cho biết: "Đây là dịp tôn vinh và ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các chị, bởi các chị là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn về quản lý chất thải rắn tại Việt Nam. Giúp những người ve chai tự hào hơn về công việc của mình, ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố du lịch xanh".

Tại TP Hội An hiện có hơn 100 phụ nữ làm nghề thu gom ve chai, từ buôn bán dạo đến chủ vựa thu mua.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phân loại rác thải nhưng họ thường không nhận được sự coi trọng trong xã hội, thường xuyên gặp phải tai nạn nghề nghiệp, môi trường làm việc độc hại gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, công việc nặng nhọc, thu nhập không ổn định và điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn.

Đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (IUCN) chia sẻ, để hoạt động thu gom ve chai có hiệu quả hơn, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, để từng bước có những lộ trình phù hợp nhằm hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống xã hội và qua đó đạt đến những mục tiêu về kinh tế, môi trường, an sinh xã hội do Nhà nước đề ra và dần dần tiến tới hợp thức hóa lực lượng phi chính thức.

"Trong hơn 30 năm thu gom ve chai, tôi chưa từng nghĩ có ngày nghề nghiệp của mình lại được xã hội ghi nhận, tôn vinh như vậy. Vui mừng, tự hào lắm. Chúng tôi thường xuyên được tập huấn, học cách phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường", bà Nguyễn Thị Tài (63 tuổi, làm nghề thu gom ve chai) bày tỏ khi đến tham dự buổi lễ.