Những người không chịu làm thuê

Từng làm sếp ở những bộ phận chủ chốt của các công ty nước ngoài, lương 1.500-3.000 USD mỗi tháng, đi nước ngoài như cơm bữa, ấy thế mà họ vẫn quyết dứt áo ra đi để căng mình chịu áp lực, có khi không còn lương tháng, nhưng vẫn tự hào: “Tôi làm cho tôi”.

Nhiều người quen đã rất ngạc nhiên bởi khi đang "lên hương" trong công tác thì Trần Anh Tuấn đột nhiên "rút" khỏi vị trí chuyên gia xúc tiến thương mại "đầu vào" cho các doanh nghiệp Australia tại Thương vụ Australia ở TPHCM. Hỏi, anh bảo: "Có nhiều cơ hội tự nhiên đến". Hóa ra, cơ hội ấy là do một người anh "rủ" mở công ty tư vấn IT, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Thế là anh "bùng" luôn...

Giải thích quyết định của mình, anh kể, mặc dù làm thương mại cho các doanh nghiệp Australia khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam thì cũng không có điểm nào "sai quấy với đất nước", nhưng đôi khi anh vẫn thấy "sao sao" và tự đặt câu hỏi: "Ủa, mình đang làm cái gì vậy à?". Câu hỏi càng ngày càng lớn theo thời gian, nhất là vào thời điểm anh nhận "đúp" công việc xúc tiến thương mại cho chương trình phát triển Hàng Việt Nam chất lượng cao của TPHCM. Cảm giác "có lỗi" khiến anh cảm thấy nhẹ nhõm khi "ra riêng" lập công ty để có dịp thực hiện những ước mơ và ý tưởng của mình.

"Thu nhập chỉ bằng 1/5 so với trước kia, thậm chí có tháng trang trải chi phí công ty xong là "âm", nhưng cơ hội phát triển lại nhiều hơn gấp 10 lần. Quan trọng nhất là có thể khẳng định và nhận biết được giá trị bản thân đang ở mức nào trong tầng nấc kiến thức", Giám đốc phát triển thương mại Công ty Goodland Trần Anh Tuấn bộc bạch.  

Theo anh, khi làm ở công ty nước ngoài, mặc dù công việc rất tốt nhưng cứ bình bình, ngày nào cũng như ngày nào mà không có thêm nhiều cơ hội hay ý tưởng khác được triển khai. Ra ngoài kinh doanh gần 5 năm, anh có thể nhen nhóm, vun đắp cả chục ý tưởng mỗi ngày rồi tìm người hợp tác kinh doanh. "Thai nghén ý tưởng là một chuyện, biến ý tưởng thành hiện thực là cả một quá trình lâu dài mà không phải ý tưởng nào cũng may mắn được triển khai", Tuấn nói.

Thật khó vẽ nên chân dung của từng người, nhưng có thể ghi nhận vài nét chung của "những người không chịu làm thuê", đó là nhiệt tình, giỏi, có kiến thức về chuyên môn và xã hội, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đã từng làm việc cho các công ty nước ngoài, ra "đời" lập công ty riêng hoặc thậm chí không cần một công ty "lận lưng" mà chỉ tác chiến độc lập... Thành công hay thất bại đối với họ không quan trọng bằng việc tìm kiếm cơ hội để nhận biết giá trị của bản thân.

Nghề "thời thượng" được những người lao động có thể gọi cao cấp này lựa chọn và cũng trở thành thế mạnh của họ khi đã qua đào tạo chuyên nghiệp là tư vấn về thương hiệu, marketing, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại... Họ là những người lao động mà các công ty săn đầu người ráo riết "rình", mời gọi với các mức lương cao vòi vọi, nhưng như Trần Anh Tuấn cho biết: "Đến giờ này đáng tự hào là không một người đồng chí hướng nào với tôi chịu đầu hàng H.H (Head Hunter), mà cứ thua keo này bày keo khác".  

Một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ dàng quyết định đối với nhiều người là "lao động cho chính mình dù cực khổ vẫn thích hơn làm cho nước ngoài", một Tuấn khác - Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Việt Văn - nói. Vũ Quốc Tuấn là người từng "tách" ra từ tập đoàn Keppel Land đầu tư địa ốc của Singapore để lập công ty riêng, chuyên nghiên cứu sản xuất các loại thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời.  

"Đó là những người dũng cảm", họ nói về nhau như vậy mà quên mất là đang nhận xét về chính mình. Giám đốc Công ty SME kể, anh đã phải chịu nhiều áp lực khi quyết định "từ bỏ" vị trí luật sư tư vấn cho Công ty Akzo Nobel với mức lương 1.500 đôla/tháng để về mở công ty riêng. Áp lực từ cạnh tranh trong công việc, áp lực cả về phía "nội tướng" gia đình khi thu nhập giảm nhiều, thậm chí "thâm lỗ" vào ngân sách. "Có đêm suy nghĩ bạc cả tóc để tính toán làm sao sáng hôm sau phải kiếm ra tiền đủ trả lương nhân viên và chi phí công ty", anh tâm sự.

Bà nội trợ Thu Thủy, vợ của chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực Vũ Quốc Đại - một chuyên gia làm việc độc lập theo từng dự án của doanh nghiệp - thì than vì sự không chịu ổn định công việc của ông xã đã làm kinh tế gia đình bấp bênh. "Thế nhưng vẫn phải tôn trọng quyết định của các ông mà gồng mình lên để gánh kinh tế gia đình", suy nghĩ này của chị Thu Thủy được nhiều hậu phương có cùng hoàn cảnh chia sẻ.

Trả lời câu hỏi liệu có một lúc nào đó họ mong muốn quay trở lại làm việc cho các công ty nước ngoài hay không, hầu hết họ đều thú nhận: "Cũng có những lúc tư tưởng bị lung lay khi phải chịu nhiều áp lực cuộc sống, nhưng công ty nước ngoài chỉ là phương án dự bị trong trường hợp "bí" nhất".

Theo Phan Anh
Vnexpres