Những người bán quần áo dạo trong giá rét

Kim Sơn

(Dân trí) - Thời tiết giá rét, nhiều tiểu thương ở Hà Nội tranh thủ mang quần áo ra các vỉa hè bán dạo cho khách hàng qua đường. Để bươn trải mưu sinh, họ chấp nhận khói bụi, trần mình trong cái lạnh buốt giá.

Những người bán quần áo dạo trong giá rét - 1

Trên các trục đường lớn như Nguyễn Xiển, Võ Chí Công xuất hiện nhiều quầy hàng bán quần áo dạo.

Mưu sinh trong giá lạnh 

Tại khu vực gần chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Bắc cũng kinh doanh các mặt hàng quần áo cho nữ giới và trẻ em.

Theo anh Bắc, dịp cuối năm là lúc người dân có nhu cầu mua sắm, nhất là vào lúc thời tiết lạnh giá. Gian hàng của anh với những chiếc áo ấm giá rẻ chỉ từ 100 - 200 nghìn đồng/ chiếc.

Cho biết thêm, từ giờ đến tối, anh sẽ di chuyển đến các khu vực ngã tư đông người qua lại ở các phường như Yên Sở, Thanh Liệt. Công việc bán dạo chỉ kết thúc khi thời tiết giảm dần vào tối khuya.

Những người bán quần áo dạo trong giá rét - 2

Anh Bắc cho biết đây là thời điểm tốt để kinh doanh quần áo mùa đông.

Trong cái lạnh chỉ hơn 10 độ C, trên đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi gặp chị Trần Thị Hạnh đang ngồi thu lu bên vệ đường bán đồ quần áo rét.

Tầm 8h tối, thấy đã vãn khách, chị đợi chồng đón rồi quay về phòng trọ nghỉ ngơi. Người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, tay hơi run gấp những bộ quần áo còn lại vào chiếc túi vải khổ lớn.

"Cứ ngồi một chỗ, hứng người ra đón gió thế này thì lạnh thật. Hôm nay, tôi mặc tới 3 cái áo, quàng thêm khăn mà vẫn thấy người vẫn run run", chị Hạnh chia sẻ.

Những người bán quần áo dạo trong giá rét - 3

Tranh thủ ngày nghỉ lễ, chị Hạnh bán thêm quần áo cải thiện thu nhập.

Khác với chị Hạnh và anh Bắc, Phạm Văn Hợp (quê Nho Quan, Ninh Bình) làm thuê cho một chủ cơ sở quần áo. Hợp nói, trung bình một tháng em được trả lương 5 triệu đồng, bao thêm ăn ở.

Hàng ngày, cứ khoảng tầm 7h, Hợp được chủ cơ sở chở đến vỉa hè đường Nguyễn Xiển để bán bán quần áo dạo. Sau khi trải bạt lên các phản gỗ, xếp mặt hàng ngăn nắp đâu vào đấy, Hợp bắt đầu bán hàng từ đó đến 20h tối.

Chỉ với chiếc áo sơ - mi mỏng, Phạm Văn Hợp phải ngồi phơi mặt ở ngoài đường hàng chục giờ đồng hồ. Nhưng Hợp cho biết không cảm thấy vất vả là mấy.

"Hôm nay, tôi bán được hơn chục cái áo phao rồi. Sếp bảo nếu chịu khó mấy hôm nay bán thêm tối, từ giờ tới Tết Nguyên đán sẽ có thưởng thêm", Hợp vui vẻ chia sẻ.

Sẽ bán hàng đến 30 Tết

Là công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chị Trần Thị Hạnh được nghỉ 3 ngày hưởng nguyên lương dịp Tết dương lịch. Chị tranh thủ lấy bộ quần áo phụ nữ, trẻ em từ một người quen đem bán ở dọc bờ sông Tô Lịch.

Nói với PV, chị Hạnh cho hay, sẽ để số quần áo còn lại cho chồng bán nốt. Đến dịp cận Tết được công ty cho nghỉ lễ, 2 vợ chồng chị sẽ ở lại Hà Nội nhập thêm nhiều mặt hàng đa dạng nữa để cải thiện thêm thu nhập.

Những người bán quần áo dạo trong giá rét - 4

 Hợp phấn khởi khi có 1 người đến xem gian hàng.

Là người kinh doanh mặt hàng này đã nhiều năm, anh Nguyễn Văn Bắc tâm sự không ngại thời tiết lạnh giá, khói bụi.

"Cũng như nhiều người lao động tự do khác, vì mưu sinh nên chúng tôi không quản ngại vất vả. Riêng tôi chỉ mong thuê được một ki-ốt quần áo trong chợ để việc kinh doanh được ổn định", anh chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Văn Hợp xin bố mẹ chút tiền bắt xe ca lên Hà Nội làm ăn. Sau khi đi tìm việc mãi không được, được một người bạn giới thiệu, em được nhận vào làm ở một cơ sở quần áo.

Nói về hoàn cảnh gia đình, Hợp cho biết gia đình em chỉ làm ruộng ở quê. Không đủ điều kiện học lên cao, Phạm Văn Hợp đi mưu sinh sớm để bớt gánh nặng cho bố mẹ.

"Mẹ em vẫn thường gọi điện lên hỏi thăm, dặn dò phải giữ gìn sức khỏe. Em bảo sẽ làm đến 30 Tết mới về để được chủ nhà thưởng thêm tiền tiêu Tết", Hợp nói.

Dự định ra Tết, Phạm Văn Hợp sẽ xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp, tiết kiệm mỗi tháng 2, 3 triệu đồng gửi về quê đỡ đần cho bố mẹ đang nuôi cô em gái học lớp 9.