1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những lãnh địa “cát cứ” trong tuyển xuất khẩu lao động

(Dân trí) - Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang phải đối mặt với tình trạng cực kỳ khó tuyển lao động ở địa phương. Vấn đề không phải do thiếu nguồn lao động hay doanh nghiệp không đủ năng lực, mà do tình trạng “cát cứ” vẫn diễn ra suốt nhiều năm nay.

Lịch sử của “giấy phép” ở địa phương

Vấn đề tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ gặp khó khăn ở nguồn cung mà ngay cả thị trường tuyển dụng cũng không còn thông thoáng như trước. Thị trường Trung Đông hay Malaysia thì lao động không mấy mặn mà. Với thị trường Đài Loan, chỉ có một số DN có kinh nghiệm và được phép của phía Đài Loan mới được thực hiện. Các thị trường khác cũng vậy, số lao động đi được cũng rất ít ỏi. Và gần đây nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các DN tạm dừng tuyển mới lao động sang Séc…

Nếu hiểu một cách thông thường, khi đầu ra của thị trường XKLĐ hạn chế thì nguồn tuyển lao động sẽ rất dồi dào, thậm chí thừa thãi. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác, DN vẫn đang rất “bí” khi tuyển lao động. Và một trong những nguyên nhân không thể không đề cập đến chính là vấn đề “cát cứ” ở địa phương, tức vẫn còn hiện tượng giấy phép “con”.

Sự ra đời giấy phép này là sản phẩm của mô hình liên thông bắt đầu từ năm 2002, nhằm tăng cường trách nhiệm giữa DN, địa phương và người lao động. Lúc đầu ở Hải Dương, sau đó là đến Phú Thọ và các tỉnh khác.

Ban đầu, mô hình này phát huy rất tốt. Nhưng sau đó, chính sự biến tướng của nó khiến các DN khi về địa phương tuyển lao động lại bị ràng buộc, gây khó dễ. Một số địa phương không những không tạo điều kiện mà còn gây khó khăn như cho DN này vào tuyển, không cho DN kia vào tuyển.

Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đã phải bỏ giấy phép đó thông qua việc ban hành thông tư 21. Theo đó, các DN chỉ cần thông báo (không phải xin phép) với Sở LĐ-TB&XH, chính quyền cấp huyện, xã nơi DN dịch vụ tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động.

Nhưng hiện nay, hầu hết ở các địa phương vẫn chưa bãi bỏ đựơc giấy phép này vì hai lý do. Thứ nhất, có thể vì một động cơ tế nhị nào đó mà bản thân các địa phương chưa muốn bỏ. Thứ hai, khi bỏ như vậy, thì chính DN cũng bị vướng do liên quan đến việc vay vốn của lao động tại ngân hàng.
 
Những lãnh địa “cát cứ” trong tuyển xuất khẩu lao động - 1
Lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông

Ai không muốn bỏ giấy phép “con”?

Một cán bộ ngành lao động cho biết, “bài” để cấp quản lý địa phương thể hiện vai trò của mình trong việc tuyển LĐXK trên địa bàn là họ tuyên bố: “Nếu chúng tôi không có công văn giới thiệu xuống các huyện, thị và các đơn vị, ngân hàng cho vay mà có vấn đề gì trục trặc thì những nơi đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Như thế thử hỏi cấp cơ sở nào dám làm khác, ngay cả ngân hàng cũng vì việc đó mà không giải ngân để cho lao động đi!

Vì vậy, các DN vẫn buộc phải thông qua Sở LĐ-TB&XH khi muốn tuyển dụng lao động địa phương. Điều này dẫn đến một nghịch lý là ngay cả những địa phương có bỏ giấy phép “con” thì DN vẫn yêu cầu, mặc dù mỗi lần như vậy DN lại phải tốn kém không ít cả về tiền bạc và thời gian.

Thực tế, một số Sở LĐ-TB&XH đã có sự cải tiến, tạo điều kiện cho DN, nhưng có những địa phương vẫn gây khó khăn dưới hình thức này khác. Chẳng hạn họ vẫn yêu cầu phải có giấy giới thiệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước hay một loạt giấy tờ vô lý khác như Hợp đồng với đối tác nước ngoài!

Các DN chỉ biết kêu trời khi chỉ được cho vào tuyển thí điểm một huyện thôi. Tiếp đến, huyện lại chỉ cho DN đó được tuyển 2,3 xã. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho DN về nguồn tuyển mà cả người lao động cũng bị ảnh hưởng do không được lựa chọn DN.

Vì thế mới có chuyện, ngay cả khi Giám đốc Sở của một tỉnh đã ra một Công văn gửi cho tất cả các DN và các địa phương chỉ đạo các DN xuống thẳng huyện để tuyển, đề nghị huyện tạo điều kiện thì DN vẫn khổ. Bởi thay vì làm việc với Sở thì bây giờ các DN phải làm với từng huyện dưới hình thức “cát cứ” như vậy.

Rõ ràng, những chủ trương, chính sách đúng mà thực hiện không đúng sẽ không phát huy tác dụng. Việc bỏ giấy phép hay giấy giới thiệu ở các địa phương là cần thiết. Nhưng vì một mục đích nào đó, có thể không trong sáng, chúng vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, tạo thành một “rào cản” không thể phá vỡ khi DN muốn tuyển lao động đi xuất khẩu.

Biện minh cho việc làm đó, cũng có ý kiến cho rằng đó là cách để tăng cường giám sát đối với các DN, giảm rủi ro với người lao động trước những công ty “ma”. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 1/7/2007. Theo đó, chỉ những DN đủ điều kiện mới được tiến hành đổi giấy phép.

Mặt khác, DN đã được cấp giấy phép rồi vẫn có những DN làm tốt và những DN làm bậy. Xử lý vấn đề này đã có những cơ quan luật pháp.

Theo quy định, người lao động có quyền tìm đến tất cả các đơn vị tuyển dụng và được hưởng chế độ vay vốn ngân hàng như bình thường. Song hiện nay, đang có sự hiểu sai về vấn đề này. Nghĩa là người lao động chỉ tuyển dụng qua hình thức DN tuyển tại địa phương thì mới được vay vốn.

Nhưng để giải quyết sự lẫn lộn này lại không thuộc về phía người lao động mà là ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý, họ có vì DN và người lao động hay không? Chúng ta đang nói về một cơ chế cải cách hành chính mà vướng mắc của nó không nằm trong các quy định pháp luật!

“Khi tuyển chọn lao động ở địa phương, DN dịch vụ và chi nhánh DN dịch vụ được giao nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải xuất trình giấy phép và thông báo với Sở LĐ-TB&XH, chính quyền cấp huyện, xã nơi DN dịch vụ tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động”.

Thông tư số 21 ngày 8/10/2007, do Bộ LĐ-TB&XH
ban hành, quy định

Lan Hương