1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những hỗ trợ thiết thực, chia sẻ rủi ro với người lao động

Dân trí

(Dân trí) - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động. Bên cạnh lợi ích chia sẻ rủi ro, nguồn quỹ này còn phát huy tác dụng phòng ngừa.

2 năm, 200 lao động được chi 3,3 tỷ bảo hiểm

Trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp thì người lao động (NLĐ) khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra với mình. Vì vậy, quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) ra đời, nằm trong Luật Bảo hiểm xã hội đã trở thành "điểm tựa", giúp bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ khi không may gặp rủi ro.

Những hỗ trợ thiết thực, chia sẻ rủi ro với người lao động - 1
Khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu).

Đơn cử như trường hợp của chị Đỗ Thị Viện (SN 1976), công nhân Công ty TNHH Cơ khí Quế Sơn (Lạng Giang). Cuối năm 2020, do bất cẩn khi vận hành máy và một số nguyên nhân khách quan khác, chị bị bỏng nặng với tỷ lệ thương tật 50%. Nằm viện điều trị gần 2 tháng và về nhà dưỡng thương, tuy sức khỏe đã dần hồi phục nhưng chị chỉ có thể làm việc nhẹ nhàng, không còn khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cũ. 

Vì vậy, chị Viện xin nghỉ làm ở công ty và tìm việc thời vụ tại địa phương. Chị chia sẻ: "Dù vất vả nhưng cũng may là công ty đóng đầy đủ bảo hiểm TNLĐ-BNN nên chi phí trong thời gian điều trị, hồi phục của tôi cũng không quá tốn kém. Thêm vào đó, mỗi tháng, tôi còn được hưởng tiền trợ cấp 1,2 triệu đồng, phần nào khắc phục khó khăn cho gia đình".

Cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do gặp rủi ro trong quá trình làm việc, cuộc sống của chị Lương Thị Nguyên (SN 1987), công nhân Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) giờ đã ổn định hơn. Đầu năm 2021, sau gần 8 năm làm công nhân may, chị thấy có biểu hiện khó thở, viêm họng kéo dài nên đi khám. Các bác sĩ kết luận chị bị bệnh bụi phổi - một trong những bệnh thường gặp ở lao động ngành may và yêu cầu nằm viện điều trị. 

Hơn một năm chị phải nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập cho gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, lo tiền ăn học cho hai con đều dựa vào đồng lương công nhân của chồng. Rất may sau khi có kết quả giám định bệnh nghề nghiệp, hoàn thiện hồ sơ, chị được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN. Dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn trước mắt. Kiên trì điều trị, sức khỏe chị Nguyên ổn định, trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào cuối năm 2021.

Theo báo cáo của Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh), trong hai năm 2020-2021, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần cho gần 200 lao động bị TNLĐ-BNN với số tiền chi trả hơn 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, nguồn quỹ này còn chi hàng tỷ đồng cho các hoạt động khám sức khỏe định kỳ giám định thương tật, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động… góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ-BNN.

Tăng hiệu quả bảo hiểm

Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, thiếu cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa. Vì vậy, không ít doanh nghiệp né tránh thực hiện nghĩa vụ. Khắc phục điều này, tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016); việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.

Những hỗ trợ thiết thực, chia sẻ rủi ro với người lao động - 2

Tai nạn lao động có thể xảy ra trong bất cứ tình huống làm việc nào nếu thiếu chú trọng quy định an toàn (ảnh minh họa).

Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm cả NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu. 

Hằng năm, ngoài chi trợ cấp cho người bị TNLĐ-BNN, quỹ dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa bao gồm: Khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người tham gia; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc. 

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đây là những điểm ưu việt, hướng đến bảo đảm an sinh cho hầu hết trường hợp tham gia lao động, sản xuất.

Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, miễn đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ để phòng, chống dịch Covid-19. 

Kết quả, năm 2021, BHXH tỉnh đã thông báo, giải quyết chế độ cho hơn 4 nghìn đơn vị được giảm đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN với gần 238 nghìn lao động; số tiền không phải đóng trong 12 tháng là 62,9 tỷ đồng. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh (KCN Đình Trám) cho biết: "Chính sách này giúp chúng tôi có thêm điều kiện để khắc phục khó khăn, dần ổn định sản xuất. Cùng đó, xây dựng phương án phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người lao động". 

Trao đổi về vướng mắc khi thực hiện chính sách này, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) cho rằng: Việc xác định một số trường hợp bị tai nạn chưa được quy định rõ ràng dẫn tới khó khăn trong thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ. Ngoài ra, dịch bệnh kéo dài nên chất lượng tuyên truyền chính sách, giải quyết chế độ còn hạn chế, chưa kịp thời. 

Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, NLĐ, ngành BHXH chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời kiến nghị với thanh tra lao động và UBND các huyện, TP xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nợ đọng, trốn đóng) liên quan đến chính sách BHXH ngoài thẩm quyền của ngành BHXH, bảo đảm mọi quyền lợi của NLĐ.

Với trách nhiệm của ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.