Nhu cầu về thành phố lập nghiệp có xu hướng chững lại

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chia sẻ tại tọa đàm "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" do Báo Dân trí vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn về các thành phố lớn đang có xu hướng chậm lại.

Làn sóng di dân từ nông thôn đến thành thị đã diễn ra mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua, chủ yếu do lớp lao động trẻ mong muốn tìm kiếm công việc hoặc cuộc sống tốt đẹp hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, 13,6% tổng dân số là người di cư, trong đó 84% là người trong nhóm 15-39 tuổi.

Tỷ lệ di dân lớn trong độ tuổi lao động dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động giữa các địa phương. Các thành phố lớn gặp thách thức trong việc giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người dân, thì một số vùng như Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long... lại chịu thiệt thòi do không đảm bảo nhân lực cho sự phát triển.

Nhu cầu về thành phố lập nghiệp có xu hướng chững lại - 1

Làn sóng di cư về các thành phố lớn gây không ít áp lực lên hạ tầng, hệ thống dịch vụ xã hội (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tại tọa đàm "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" do Báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho rằng, người lao động có khuynh hướng dịch chuyển đến nơi có nhiều cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống. Sự di chuyển này là điều tất yếu, dẫn đến những vấn đề như mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các địa phương, vùng miền: tập trung ở khu công nghiệp, khu chế xuất; nhưng vùng sâu, xa, tỉnh lẻ thì thiếu nhân lực.

Tuy nhiên, ông cho rằng, trạng thái này đang có xu hướng chậm lại, không còn mạnh mẽ như trước, đặc biệt là sau Covid-19.

"Khi Covid-19 diễn ra, người lao động trải qua khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, người ta sẵn sàng chấp nhận những công việc có tiền lương, thu nhập thấp hơn nhưng đổi ngược lại, họ được an toàn hơn, ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, chi phí ở đô thị, các thành phố lớn quá cao cho chăm sóc con cái, gia đình; nên họ cũng tính toán đến việc ở lại quê nhà, hoặc các tỉnh lẻ để dù thu nhập thấp nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống", ông Toàn chia sẻ.

Nhu cầu về thành phố lập nghiệp có xu hướng chững lại - 2

Tọa đàm "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" với sự tham gia của ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (trái) và ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ở giữa) (Ảnh: Hữu Nghị).

Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 2,2 triệu người rời bỏ các thành phố lớn để hồi hương. Trong đó, có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TPHCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác. Đến khi tình hình đại dịch dần được kiểm soát, nhiều người cho biết vẫn không có ý định quay lại tìm việc tại thành phố.

Tọa đàm "Phân tích, dự báo cung cầu - Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động" do Báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức hôm 24/5. Chương trình nhằm phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu lao động cục bộ hiện tại; thảo luận về giải pháp khắc phục hạn chế này, tập trung vào giải pháp phân tích và dự báo cung - cầu lao động.

Giải pháp khơi thông điểm nghẽn thị trường lao động

Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang phát triển mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo tính liên thông, liên kết giữa các đơn vị.

Theo kế hoạch, cuối năm 2024 sẽ xây dựng xong mô hình, nền tảng cơ sở dữ liệu (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng về cấu trúc cơ sở dữ liệu). Từ năm 2025 trở đi sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu, dần hoàn thiện mô hình phân tích - dự báo cung cầu lao động theo hướng hoàn chỉnh, có ý nghĩa lớn trong cung cấp mọi thông tin liên quan đến thị trường việc làm.