Nhọc nhằn nghề trồng quất cảnh

Mỗi độ xuân về, người người lại dùng những cây quất mọng quả để trang hoàng nhà cửa, nhưng mấy ai biết để có được những cây quất như ý người nông dân phải trải qua bao nhọc nhằn.

Quất là những loại cây cảnh không thể thiếu đối với mọi gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Chỉ chừng hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người dân của làng quất Cẩm Hà (thành phố Hội An) đã bắt đầu vào mùa thu hoạch.

Nhọc nhằn nghề trồng quất cảnh - 1

Để có được một cây quất cảnh như ý cho năm mới, người nông dân phải tốn rất nhiều công sức trong hơn nửa năm chăm sóc.

Những ngày cuối năm như thế này này, chủ nhân của những khu vườn quất đã mở rộng cửa, giăng biển chào đón thương lái và khách hàng đến lựa chọn những cây ưng ý để đặt cọc về chơi Tết hoặc mang đi bán tại địa phương khác. Không khí làng quất đang trong những ngày rộn rã khẩn trương.

Đang tỉ mỉ chọn từng đoạn dây thép, khéo léo uống từng cành con, ông Nguyễn Viết Chuẩn, chủ một vườn quất chia sẻ: “Nghề trồng quất bạc lắm, có khi kiếm được tí tiền nhưng cũng có năm thất thu, công sức cả năm thành công cốc”. Những năm thời tiết xấu, mưa nhiều vườn quất nhà ông Chuẩn thiệt hại khá nhiều, nhiều cây thối rễ chết rũ, số còn lại cây xấu và quả nhỏ, bị bệnh nên bán không được giá.

Để trở thành một cây quất đẹp như ý cho ngày Tết cần rất nhiều công chăm sóc. Theo ông Chuẩn thì khó nhất là khâu tạo dáng, đòi hỏi những người thợ khéo tay, sơ sẩy là gãy cành, hỏng cây thì coi như hỏng, mất giá.

Bước ngang một vườn quất khác, phóng viên gặp lão nông Nguyễn Văn Tín đang tỉa cành cây, cắt lá.

Nhọc nhằn nghề trồng quất cảnh - 2

Những ngày cuối năm, chủ nhân của những khu vườn quất đã mở rộng cửa, giăng biển chào đón thương lái và khách hàng đến tham quan mua bán.

Ông Tín cho hay, thường thì người dân nơi đây tự làm những việc khó như thế này, nhà không có người làm mới thuê người cắt tỉa. “Để tỉa được một cây quất mất đến hàng tiếng đồng hồ, mỗi ngày cùng lắm chỉ làm được vài cây” - ông Tín nói thêm. Nhìn ông Tín cần mẫn lấy từng mảnh thép nhỏ gò từng ngọn cây, từng tán lá để tạo dáng, mới biết công việc này nhọc nhằn và tinh tế như thế nào.

Bên cạnh việc tạo dáng, việc diệt trừ sâu bệnh cũng rất quan trọng đối với người trồng quất. Nếu như không kịp thời phun thuốc thì cây sẽ rất dễ bị nấm và côn trùng đốt, nếu bị bệnh cây sẽ tự động rụng quả và lá, như vậy giá quất cũng sẽ bị giảm đi. Tất cả các khâu đều dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua từng mùa quất.

Ông Tín cũng là một người đã sống cùng với nghề quất với thâm niên hơn 20 năm, là một trong số ít những người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Muốn quất quả to và mọng thì ngày nào cũng phải tưới. Muốn quất chín đúng thời vụ thì khâu quyết định là “đảo quất”, cứ đến đầu tháng 9 phải đưa quất từ vị trí này sang vị trí khác, kết hợp bón phân để cuối tháng sẽ đậu quả và chín vào đúng dịp Tết”.

Theo ông Tín, năm nay thời tiết thuận lơi, ít mưa nên quất được mùa, cây trĩu quả. Giá quất sẽ nhỉnh hơn năm ngoái tầm 10% vì giống quất và vật tư đồng loạt tăng giá. Trung bình một cây quất có giá tầm tầm 1-2 triệu, những cây lớn hơn sẽ có giá cao hơn, tùy theo từng cây xấu, đẹp mà có các mức giá khác nhau.

Thế nào là cây quất đẹp, ông Tín cho rằng quất đẹp là quất tứ quý, ngoài dáng đẹp thì cây ấy phải đảm bảo bốn tiêu chí: có cả quả vàng lẫn quả xanh, vừa có hoa vừa có lộc. “Nên đi chọn quất vào ngày có nắng, nhìn sẽ “thật quất” hơn, dễ tìm được cây quất đẹp hơn” - lão nông chia sẻ kinh nghiệm.

Một khó khăn nữa của người trồng quất là sản phẩm làm ra không có chợ để bày bán. Nếu cứ đem ra đường “chiếm một lô” bày bán, thì phải đóng phí, cây quất to thì một lô chỉ được vài cây, lại tốn nhiều “lô” phụ, nên người dân ít mang đi bán, để cho thương lái tới tận vườn để mua.

“Thương lái từ nơi khác họ chỉ chọn toàn những cây đẹp, ưng ý mang về để bán lại. Còn lại rất nhiều cây xấu trong vườn, không ai ngó ngàng đến thì sẽ để năm sau, hoặc thương lái vẫn mua nhưng sẽ trừ lại tiền. Rất ít người dân đến tận vườn để mua nên cứ bán khoáng cho thương lái là nhanh nhất, tầm 20 tháng Chạp trở đi họ sẽ mang xe đến tận vườn để chở về.” - một chủ vườn quất khác bộc bạch.

Theo Tuấn Vỹ/Diễn đàn Doanh nghiệp