Thanh Hóa:

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh

Bình Minh

(Dân trí) - Mỗi ngày làm mỏi tay, thợ đan quại cói ở xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng chỉ đan được một dây quại, giá bán hơn 100 nghìn đồng.

Mỏi tay mới kiếm được 120 nghìn đồng/ngày

Người dân xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hóa) vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Những năm gần đây, lúc nông nhàn, bà con còn trồng cói để đan quại. Đây là sản phẩm thô được đan từ cây cói, xuất khẩu sang nước ngoài để sử dụng, chế tác đồ mỹ nghệ.

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh - 1

Người nông dân phải thu hoạch cói vào những ngày nắng cói mới không bị hỏng (Ảnh: Bình Minh).

Theo người dân địa phương, cây cói sau khi trồng 3-4 tháng mới cho thu hoạch. Đó là khi cây cao khoảng 1,5-2 m, thân cứng cáp. Quá trình cói lớn lên, người trồng phải bón thêm đạm, phân để cói nhanh tốt. Mỗi năm có thể thu hoạch được 3 vụ cói. Cói sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô và dùng để đan quại.

Gắn bó với nghề trồng cói để đan quại khoảng 2 năm nay, theo bà Trịnh Thị Lục (56 tuổi, ở thôn Thượng Đại, xã Hoằng Xuyên), nghề trồng cói để đan quại vô cùng khó nhọc. Với bà con nông dân, để làm ra được sản phẩm quại phải qua rất nhiều công đoạn.

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh - 2

Cói được nhặt, loại bỏ những lá úa vàng (Ảnh: Bình Minh).

"Để cói sạch đẹp và đồng đều, người cắt phải nhặt hết phần lá khô úa, sau đó cắt bỏ bớt phần gốc và cột thành bó. Cói cắt về sẽ được phơi từ 3-4 lần nắng to. Sau khi phơi đủ nắng, cói phải được bảo quản trong túi kín để tránh bị mốc. Trước khi đan, phải ngâm cói đã bảo quản trong nước cho mềm, để ráo rồi mới đan", bà Lục nói.

Cũng theo bà Lục, vất vả nhất là việc phải thu hoạch cói dưới thời tiết nắng nóng. Nếu thu hoạch và phơi vào những hôm trời mưa, cói sẽ bị đỏ và hư hỏng. Để đan một dây quại dài 50m cần khoảng 2,6-3 kg cói khô.

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh - 3

Cói phải được phơi 3-4 ngày dưới nắng (Ảnh: Bình Minh).

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh - 4

Mỗi ngày, người dân chỉ đan được một dây quại dài 50 m.

Dù vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng mỗi ngày người nông dân cũng chỉ đan được duy nhất một dây quại.

"Công việc không kể giờ giấc, vất vả nhưng giá bán chỉ được 120.000 đồng/dây, nếu không trồng mà mua cói về đan, thì chỉ được từ 80.000 - 90.000 đồng", bà Trịnh Thị Tam (63 tuổi, ở thôn Tây Đại) cho biết.

Đan quại nuôi con cái học hành

Dù giá thành sản phẩm rất thấp so với công sức người dân bỏ ra nhưng nhiều năm nay, nhờ nghề, nhiều nông dân ở Hoằng Xuyên thoát khỏi cuộc sống chật vật, có thể nuôi được con cái ăn học.

Bà Trịnh Thị Lục là lao động chính trong gia đình thế nhưng ở tuổi bà cũng không thể làm thuê, làm mướn được nữa. Mấy năm nay, ngoài làm ruộng, thu nhập từ nghề đan quại đã giúp bà nuôi hai con đang tuổi ăn học và trang trải cuộc sống.

Nhọc nhằn nghề đan quại cói mưu sinh - 5

Nghề đan quại giúp người nông dân có thêm chi phí cho con cái học hành (Ảnh: Bình Minh).

Còn với bà Trịnh Thị Tam, một cựu chiến binh, dù không có gia đình, bà đang cưu mang 3 cháu ruột do sớm mồ côi bố mẹ. Nghề đan quại đã giúp bà có thêm chi phí để nuôi các cháu học hành.

"Tuy thu nhập từ công việc này không đáng kể so với nhiều ngành nghề khác, nhưng đan quại vẫn có thể giúp người nông dân như chúng tôi bớt chật vật hơn", bà Tam chia sẻ.

Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên cho biết: "Mấy năm gần đây, người dân trong xã đã chỉ nhau cùng trồng cói để đan quại. Nghề đã tạo việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Không chỉ những người trong độ tuổi lao động mà ngay cả các cháu học sinh cũng thường xuyên phụ giúp bố mẹ những lúc rỗi, ngày cuối tuần. Các ông bà già cũng có thể kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình không trồng được cói thì mua lại của các gia đình khác. Sau khi đan quại cói, bà con nhập cho một công ty ở tỉnh Nam Định để xuất khẩu".