Nhiều tiềm năng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Thị trường lao động Hàn Quốc đã có những dấu hiệu phục hồi với việc Chính phủ gia tăng 10.000 chỉ tiêu cấp phép cho lao động nước ngoài vào Hàn Quốc làm việc theo chương trình Cấp phép lao động nước ngoài (EPS) trong năm 2010.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã tiến hành 2 đợt kiểm tra tiếng Hàn để tuyển chọn gần 20.000 lao động đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình EPS trong năm 2010 và năm 2011.

Từ việc nhu cầu tuyển dụng lao động tăng trở lại

Nền kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi vững chắc, tiếp tục đạt mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Tỷ lệ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của quốc gia Đông BẮc Á này đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với 7,6%.

Dự đoán chung năm 2010, Hàn Quốc có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 6.2%. Có được thành quả đó là nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thiết bị, khiến sản lượng công nghiệp tăng dáng kể.

Khu vực xuất khẩu vẫn luôn là trụ cột dẫn dắt nền kinh tế cũng đạt mức tăng trưởng vượt bậc đã có tác động trở lại kích thích nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hồi phục trở lại, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài.
 
Nhiều tiềm năng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - 1
Trong 10 tháng đầu năm nay, đã có gần 5.000 lao động Việt Nam được nhập cảnh Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Theo số liệu thống kê do Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cung cấp, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có gần 5.000 lao động Việt Nam được nhập cảnh Hàn Quốc theo chương trình EPS, tương đương với cả năm 2009.

Ông Lương Đức Long, Trưởng Ban quản lý lao động cho biết với tốc độ này, tính đến hết năm, dự kiến sẽ có khoảng 6.000 lao động Việt Nam được nhập cảnh Hàn Quốc. Như vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách 15 quốc gia phái cử lao động theo chương trình EPS về số lao động được nhập cảnh. Lao động Việt Nam được các chủ sử dụng đánh giá cao và có nhu cầu tuyển dụng đông nhất.

Năm 2010, chính phủ Hàn Quốc cấp cho 15 nước phái cử lao động, trong đó có Việt Nam là 34.000 chỉ tiêu tuyển dụng, theo đó, đợt đầu Việt Nam được phân nhiêu nhất với 9.700 chỉ tiêu. Nếu so sánh số chỉ tiêu được tuyển dụng và số lao động đã trúng tuyển thi tiếng Hàn (10.700 người trúng tuyển trong đợt thi 25/4/2010) thì cơ hội cho cho các ứng viên đi lao động Hàn Quốc là khá cao.

Tuy nhiên, có một thực trạng là quá trình làm thủ tục cho lao động nhập cảnh từ khi có hợp đồng tuyển dụng của chúng ta vẫn còn chậm so với các nước khác. Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia có đông lao động được tuyển dụng nhất nên việc kéo dài quá trình làm thủ tục nhập cảnh cho lao động vào Hàn Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình và phân bổ chỉ tiêu hàng năm.

Đến những chú trọng về chất lượng lao động xuất khẩu

Mặc dù nhu cầu sử dụng lao động tăng lên song chất lượng lao động luôn là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Qua tìm hiểu thực tế của PV tại địa bàn, những phát sinh mâu thuẫn nẩy sinh nhiều nhất bắt nguồn từ ngôn ngữ.

Mặc dù lao động Việt Nam luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn (gần 80% ứng viên dự tuyển trúng tuyển trong các đợt kiểm tra) nhưng thực tế khi nhập cảnh Hàn Quốc, có những lao động thậm chí không nói được một câu tiếng Hàn.

Thực trạng này xuất phát từ khâu luyện thi theo bộ đề được quy định. Lao động Việt Nam chỉ tập trung theo các mẫu câu có trong bộ đề nhưng các tình huống trên thực tế lại không giống như vậy, vì thế mà thường "cười héo" đứng như "vịt nghe sấm" trong các tình huống giao tiếp với chủ.

Ngôn ngữ không thông khiến lao động cũng không đáp ứng đúng các phần việc mà chủ giao. Bên cạnh đó, tinh thần tự học hỏi, tiếp thu kiến thức, nâng cao tay nghề của lao động Việt Nam còn thấp, chủ yếu chỉ tập trung mục tiêu tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và ổn định cuộc sống của các lao động sau thời gian kết thúc làm việc tại Hàn Quốc.

Có một thực tại nữa là nhiều lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc đã rất bất ngờ trước điều kiện và môi trường làm việc nặng nhọc. Cần phải nhận thức thật rõ ràng rằng Hàn Quốc là quốc gia công nghiệp hóa, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, do vậy nếu không có sự đào tạo định hướng chuẩn mực từ trong nước, lao động Việt Nam sẽ có những lệch lạc trong nhận thức về môi trường lao động tại Hàn Quốc.

Theo Ban quản lý lao động Việt Nam, trong khâu giáo dục định hướng cần nhấn mạnh đến tình huống thực tế mà người lao động thường gặp phải khi làm việc tại các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ là công việc có tính chất nặng nhọc, không sạch sẽ và nhiều khi nguy hiểm. Do không được xác định tinh thần, các lao động ta thường phản ứng bằng cách xin chuyển xưởng sản xuất.

Tỷ lệ lao động Việt Nam xin chuyển xưởng ở mức cao nhất trong số các quốc gia tham gia EPS với 35% trong khi Thái Lan chỉ là 8%, Philippines 10,1%. Việc xin chuyển xưởng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cá nhân, gây ra những bức xúc cho chủ sử dụng lao động.

Không thể phủ nhận rằng đi xuất khẩu lao động vẫn là một hình thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt đối với thị trường lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thị trường này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng mà hơn hết chính là sự nhận thức cao của các lao động.

Chính những người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc mới là những người tạo dựng nên hình ảnh tốt đẹp về những con người Việt Nam trẻ tuổi cần cù, sáng tạo và có động cơ vươn lên mạnh mẽ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Theo Khánh Vân
Vietnam+