Nhiều thí sinh bỏ đại học chọn trường nghề
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học phải tăng cường tuyển nguyện vọng 2, có nhiều trường đại học, số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 lên đến hàng nghìn nhưng số thí sinh nhập học lại chỉ có vài chục. Vậy sinh viên đi đâu?
Một điều đáng chú ý và khá bất ngờ đối với nhiều trường nghề. Năm học 2018, nhiều trường nghề thu hút học sinh đến nộp hồ sơ nhập học, có nhiều trường điểm, thí sinh vào nhập học khá cao.
Theo khảo sát của phóng viên, tại trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vinatext TP.HCM, tổng chỉ tiêu xét tuyển 14 ngành là 2.100. Tính đến thời điểm này, số hồ sơ đăng ký là hơn 2.000. Trong đó, số thí sinh xét tuyển vào ngành công nghệ may chiếm 80%, tỉ lệ nữ cũng chiếm hơn 80%.
Chia sẻ về tin vui này, của ông ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng nhà trường hào hứng: “ Ba năm gần đây, số thí sinh theo học ngành công nghệ may chiếm tỉ trọng áp đảo do nhu cầu đầu ra ngành này lớn. Các doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng đào tạo và cung ứng, sinh viên ra trường là có việc làm ngay”.
Để thu hút sinh viên nhập học, nhiều trường đã cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm. Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, hồ sơ đăng ký vào các nghề “hot” như công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… chiếm tới 70%.
Hay trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội cũng cam kết đầu ra việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên. Ông Đào Công Hải – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội cho hay: “Để hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, trường chúng tôi đã liên kết với các nhà tuyển dụng là các tập đoàn, công ty như: Công ty Samsung Việt Nam; Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (CADIVI); Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty lắp máy Lilama… để cung cấp việc làm cho sinh viên”.
Đồng thời, những sinh viên có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài hay du học tiếp thì nhà trường kết hợp với các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm kiếm việc làm, tổ chức đào tạo, tư vấn, chọn trường và làm các thủ tục khác miễn phí 100% với mức chi phí nhất. Sau sáu tháng có thể được đưa vợ hoặc chồng sang cùng.
Nhận định về tín hiệu tích cực này, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng nêu ra một thực tế đáng mừng: “Hiện nay, phụ huynh, học sinh đã nhận thức được rõ rệt về mục tiêu chọn ngành, chọn trường để học. Nhiều phụ huynh khi đến trường chúng tôi, họ quan tâm rất kỹ đến nội dung học, chương trình học của các ngành nghề cũng như đầu ra, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều phụ huynh đã định hướng con chọn học trung cấp do thời gian học ngắn thay vì chọn học cao đẳng”.
Cũng theo ông Dũng, nhiều thí sinh điểm thi THPT Quốc gia rất cao, đủ để có thể đỗ vào các đại học công lập nhưng các em vẫn chọn học cao đẳng, trung cấp nghề. Năm 2016, có em đạt 23,5 điểm - số điểm này đủ để đỗ vào một số ngành của đại hộc Bách khoa Hà Nội và một số trường top trên nhưng thí sinh đó vẫn đến trường cap đẳng Điện tử - Điện lạnh nhập học.
“Năm nay, thời điểm này đã có nhiều thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên đến trường để xác nhận nhập học.”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ thêm.
Theo Báo Công Lý