Nhiều người lao động đã biết đến bảo hiểm thất nghiệp
Nghỉ việc ở công ty, chị Hằng cảm thấy mình thật may mắn vì đã sáng suốt khi quyêt định tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đến thời điểm nghỉ việc, tính ra, chị Hằng đã đóng BHTN hơn 1 năm và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thực tế, người lao động là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng việc làm xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng; hợp đồng việc làm xác không xác định thời hạn đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Một khi đã tham gia BHTN, dù hằng tháng bị trừ một khoản tiền nhưng nếu biết nhìn vào lợi ích lâu dài, không quan tâm nhiều đến khoản trừ trước mắt thì người lao động được bảo đảm nhiều về quyền lợi.
Theo quy định, mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60 % mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng việc làm theo quy định của pháp luật. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật dạy nghề. Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp do người lao động chi trả. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá sáu tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
|
PV