Nhiều doanh nghiệp sai phạm trong chi trả lương

Trong một cuộc khảo sát mới đây, Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM đã phát hiện 160/1.000 doanh nghiệp tức là 1/5 doanh nghiệp được điều tra đã có những sai phạm các quy định về xây dựng thang, bảng lương và thực tiễn chi trả cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp sai phạm trong chi trả lương
Công nhân đình công tại TPHCM.

 

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp báo cáo thang bảng lương chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng chứ không thực hiện, có những doanh nghiệp thậm chí còn không xây dựng thang, bảng lương. Trong khi đó, theo Luật lao động, thang, bảng lương là cơ sở để tính các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương giờ làm thêm và bảo hiểm thất nghiệp…

                       

Như trong bảng báo cáo thang, bảng lương của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM đã xây dựng 10 bậc lương cho đối tượng công nhân trực tiếp sản xuất, với mức tăng tối thiểu là 5%/bậc. Theo quy chế của công ty, công nhân sẽ được nâng bậc lương 1 năm/1 lần.

 

Nếu làm đúng những gì đã báo cáo thì không có vấn đề gì. Thế nhưng, khi nhìn vào bảng lương chi trả thực tế, một người lao động thâm niên 7 năm có mức lương căn bản không khác gì một người mới vào làm việc. Hầu hết các vi phạm này đều rơi vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Theo điều 57 Bộ luật lao động, thang, bảng lương phải được công khai trong doanh nghiệp, thế nhưng, theo kết quả khảo sát, có vẻ quy định này đã bị bỏ lơ. Đối với các doanh nghiệp không đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; không công bố công khai thang, bảng lương cho người lao động biết sẽ bị phạt từ 2 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, có lẽ bởi mức phạt quá thấp không khiến các doanh nghiệp lưu tâm.

 

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn luật sư TPHCM phân tích: “Thực tế trong các doanh nghiệp, số lượng lao động rất khác nhau, có doanh nghiệp chỉ có 20 người hoặc dưới 20 người, có doanh nghiệp có cả ngàn người, nhưng mức xử phạt lại tính cào bằng, không có phân biệt theo mức số lượng lao động vô hình chung tạo cơ hội cho người sử dụng lao động lợi dụng và chấp nhận vi phạm để có được một quyền lợi khác có lợi ích hơn”.

 

Bên cạnh đó, Luật Lao động cũng không hề có quy định hình thức xử phạt đối với hành vi doanh nghiệp đã đăng ký thang, bảng lương nhưng không áp dụng.

 

Theo đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM, các doanh nghiệp sẽ gây ra tình trạng thiếu ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho chính công ty mình nếu tiếp tục vi phạm quy định về thang, bảng lương.

 

Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Ban quản lý KCN-KCX TPHCM cho biết: “Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng thang bảng lương trả cho mỗi người một bậc sẽ xảy ra tình trạng rất dễ hiểu là người lao động sẽ nhảy việc, bỏ doanh nghiệp hiện tại để đi nơi khác hoặc sẽ không làm cho đơn vị mà không tăng lương cho họ. Như vậy, doanh nghiệp sẽ mất những lao động có tay nghề, có thâm niên công tác và việc tuyển dụng và đào tạo bổ sung cho nguồn lao động thiếu rõ ràng doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi rất nhiều”.

 

Thực tiễn cho thấy, 95% vụ đình công đều liên quan đến tiền lương chưa thỏa đáng. Doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển ở một môi trường kinh doanh tốt. Nhưng, môi trường kinh doanh này không phải chỉ do một địa phương, một quốc gia gây dựng nên mà còn là do chính bản thân doanh nghiệp góp phần lớn và quan trọng. Nếu các doanh nghiệp công khai, minh bạch trong chi trả lương thì có lẽ họ sẽ không phải đối mặt với sự đình công của người lao động.

 

Ví như phiên chợ công nhân 2012 được coi là một cách để chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, thế nhưng, còn có một cách làm khác sát sườn hơn với cuộc sống hằng ngày vốn còn nhiều khó khăn của người lao động, đó là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người lao động, làm sao để họ được trả một mức lương công bằng, xứng đáng với sức lực mà họ vất vả bỏ ra.

 

Theo Nguyệt Hà

VTV